Cân nhắc thời điểm tăng giá điện

09:36 | 14/12/2022
Đề xuất tăng giá điện trong dịp Tết sẽ khiến cả DN và NLĐ thêm khó do làm tăng giá cả tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang khó khăn do không có đơn hàng, phải chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân hoặc giảm giờ làm - đây là ý kiến của nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở.
Phó Thủ tướng yêu cầu chưa tăng giá điện trong thời gian tới Đề xuất tăng giá điện: Gia đình công nhân lo lắng vì phát sinh chi phí Đề xuất tăng giá điện: Phải có lộ trình và phù hợp với người lao động
Cân nhắc thời điểm tăng giá điện
Nhiều doanh nghiệp ngành sợi đang phải bán sản phẩm dưới giá thành, nếu tăng giá điện càng khiến doanh nghiệp khó khăn, không có lợi nhuận chăm lo đời sống CN. Ảnh: Nam Dương

Tăng giá điện trước Tết sẽ làm tăng giá cả tiêu dùng

“Đang lúc khó khăn, “nước sôi lửa bỏng”, đặc biệt gần Tết thế này mà tăng giá điện thì sẽ khó khăn lắm, CN và cả người dân sẽ cùng khổ”, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - nói như thế khi được hỏi về đề xuất tăng giá điện mới đây. Ông Nghiệp cho biết, thông qua báo chí cũng biết đến việc ngành điện bị lỗ do giá đầu vào sản xuất điện tăng. Đây là khó khăn chung mà không doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, giá điện ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm, đặc biệt, trong dịp Tết giá cả thường tăng cao, ít nhất là khoảng 10%, nên nếu tăng giá điện thì giá các sản phẩm khác sẽ tăng theo ngay lập tức.

“Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng đơn hàng phải cho CN ngừng việc, giãn việc, thậm chí chấm dứt HĐLĐ, đời sống của CN đã rất khó khăn, nay tiếp tục phải gánh thêm giá cả tăng ngay trong dịp Tết thì sẽ càng khó khăn hơn. Không chỉ CN mà cả người dân cũng phải gánh chịu chi phí tăng thêm. Vì thế, nếu phải tăng giá điện thì Nhà nước nên cân nhắc thời điểm hợp lý hơn”, ông Nghiệp nói.

Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh - cho rằng, trong hai năm 2021, 2022, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng gồng mình chịu lỗ để bảo đảm việc làm cho CN.

Theo dự báo, năm 2023, nhiều doanh nghiệp nhất là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ sử dụng đông lao động tiếp tục sẽ khó khăn về đơn hàng đến quý II. Nếu tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, doanh nghiệp sẽ không còn chi phí để chăm lo cho NLĐ.

Ông Hùng kiến nghị: “Ngành điện cũng có nhiều cái khó nếu không được tăng giá nhưng nếu tăng dịp này thì chưa phù hợp vì sẽ đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết tăng theo. Vì thế Nhà nước cần tính toán, cân nhắc về tổng thể xã hội để chưa tăng giá điện hiện nay”.

Nên lùi thời điểm tăng giá điện

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Việt Nam - cho biết, công ty có xây khu nhà lưu trú cho CN ở với gần 300 phòng. Mỗi tháng, công ty hỗ trợ NLĐ 300.000 đồng tiền thuê nhà trọ, kể cả những người ở trong khu lưu trú vẫn được hỗ trợ. Người ở trong khu lưu trú chỉ phải trả khoảng 20.000 đồng tiền điện, nước/tháng.

Theo bà Vân, hai năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nhà nước không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và mới chỉ tăng từ 1.7.2022, nhưng sau đó do ảnh hưởng của giá xăng tăng cao, nhiều mặt hàng đều lên giá, nên đời sống của CN gặp nhiều khó khăn. Còn lương cơ sở thì đến 1.7.2023 mới tăng, nhưng nếu tăng giá điện sẽ làm cho nhiều mặt hàng tăng giá tiếp, nên việc tăng lương sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Bà Vân kiến nghị, không nên tăng giá điện thời điểm trước Tết vì sẽ góp phần làm cho tăng giá cả mà lùi việc tăng giá điện vào lúc khác.

Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát chặt việc bán điện đúng giá cho CN, NLĐ ở trọ vì nhiều nơi chủ nhà trọ bán điện cao hơn quy định, khiến cho CN phải chịu tiền điện giá cao.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam - phân tích thêm: Sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp đang gồng mình khôi phục lại sản xuất. Áp lực lạm phát tăng cao làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, nhưng thị trường lại giảm sút, vì vậy hiện nay phần lớn doanh nghiệp dệt may đang thiếu đơn hàng, phải cắt giảm sản xuất, cho CN nghỉ luân phiên, phải bù lương, thưởng để đảm bảo đời sống và giữ chân NLĐ.

Riêng ngành sợi càng khó khăn hơn khi giá bán hiện đang dưới giá thành sản xuất do không có đơn hàng. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng đang rất cao tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Vì vậy nếu tăng thêm giá điện thời gian này sẽ làm doanh nghiệp kiệt sức.

“Hầu hết doanh nghiệp hiện đang cố gắng tiết giảm chi phí để bù lương, nếu tăng giá điện thì doanh nghiệp lại thêm khó khăn, không còn lợi nhuận để chăm lo đời sống NLĐ. Vì thế, nên lùi thời điểm tăng giá điện sang một dịp khác thuận lợi hơn”, bà Thủy kiến nghị.

Theo NAM DƯƠNG/Laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/can-nhac-thoi-diem-tang-gia-dien-1127056.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này