Doanh nghiệp cần lường trước các quy định mới của UKVFTA

21:08 | 13/12/2022
(LĐTĐ) Sau hơn một năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Irland (UKVFTA) đã mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đạt hai con số, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cần chiến lược tiếp cận phù hợp để nông sản Việt tiến vào thị trường Anh Hiệp định UKVFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi để nắm bắt cơ hội Xuất khẩu gỗ sang Anh và thách thức về bài toán xuất xứ nguyên liệu

Tận dụng được lợi thế xuất khẩu vào Anh

UKVFTA đã đưa ra rất nhiều biện pháp để có thể khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu Vương quốc Anh sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ,... phát huy được lợi thế, thì thông qua Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng. Qua đó, nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế xuất khẩu vào Anh.

Tại tọa đàm "Thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có thể khẳng định UKVFTA đã mang lại kết quả rất tích cực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland năm 2021 qua kim ngạch xuất khẩu tăng 23% so với lại năm 2020. Do đó, năm 2022 hy vọng Việt Nam sẽ đạt được một đỉnh mới trong kim ngạch xuất khẩu sang Anh.

Doanh nghiệp cần lường trước các quy định mới của UKVFTA
Tọa đàm "Thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA"

Đặc biệt, UKVFTA là hiệp định tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sau khi Anh với sự kiện Brexit tách ra khỏi EU. Vì vậy, Hiệp định UKVFTA có tới đến 99% các nội dung giống như EVFTA nên cũng quen thuộc hơn với cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ.

Theo khảo sát của VCCI, 18% doanh nghiệp cho biết đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh và có lợi thế đi trước trong khu vực châu Á. Ngoài ra, với doanh nghiệp trong kinh doanh với Anh cũng có một thuận tiện là phía đối tác Anh kinh doanh khá bài bản, chuyên nghiệp và chủ yếu là sử dụng tiếng Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng cho rằng, sự hiện diện của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường Anh có sự tăng trưởng rất đáng kể nhờ Hiệp định UKVFTA. Cùng đó, chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay. Sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh tăng trưởng tùy theo nhóm hàng đều đạt từ 12-19%.

Ngoài ra, thương hiệu quốc gia Việt Nam và thành tích chống dịch Covid-19 cộng thêm việc nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất tại Việt Nam sau dịch cũng tạo nên một hiệu ứng tốt với doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh. Bên cạnh đó, nếu như trước đây doanh nghiệp Anh quan tâm đến sản phẩm Việt Nam nhưng nay đã rất hứng thú tìm cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam để phân phối cho thị trường Anh.

Từ góc độ của Thương vụ, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng ghi dấu ấn với người tiêu dùng và doanh nghiệp Anh nhằm hướng tới chiến lược phát triển dài hạn. Thương vụ luôn đồng hành với doanh nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin cũng như tư vấn cho từng doanh nghiệp cụ thể cho việc tiếp cận thị trường Anh.

Lưu ý các quy định mới của UKVFTA

Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường lưu ý: Doanh nghiệp có thể tận dụng sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng về xuất khẩu và nhập khẩu của Vương quốc Anh. Cùng đó, xúc tiến, kết nối trực tiếp với khách hàng là biện pháp tiếp cận hiệu quả, không thể thay thế. Bên cạnh việc tham gia các hội chợ, doanh nghiệp có thể họp online và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn. Khi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh. Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Do vậy, rất cần những biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi, đáp ứng tiêu chuẩn và mạnh dạn thâm nhập vào thị trường này.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), câu chuyện về những rào cản về kỹ thuật hay an toàn thực phẩm hoặc quy định chung giống như với thị trường EU không phải là vấn đề lớn với cộng đồng doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai doanh nghiệp phải đối mặt với những quy định của Anh mà doanh nghiệp chưa được biết đến và có những quy định không phân biệt được điểm khác biệt với thị trường EU. Bà Lê Hằng lo ngại sẽ có những thay đổi với cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến phát triển bền vững ở Anh. Có thể điều kiện như EU hoặc sẽ quy định cao hơn là điều cần lưu ý trong thời gian tới.

Bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc, Văn phòng TBT Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, mặc dù rời khỏi EU nhưng Anh vẫn là một trong những thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ phải thực thi cam kết của Hiệp định TBT của WTO bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp sẽ phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

Một số những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ gặp phải có thể là đáp ứng các quy định của EU, nhưng sẽ phải phân biệt rõ ra đâu là những quy định của EU và quy định riêng của Anh. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, nhất là các quy định về TBT.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này