Bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao

10:15 | 13/12/2022
(LĐTĐ) Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và 22 đồng tác giả vừa vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 6. Công trình nhằm ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lao, đặc biệt là bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt căn bệnh nguy hiểm này.
70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động Làm gì để giảm “gánh nặng” bệnh lao?

Tập hợp sức mạnh lớn cả về trí tuệ và công nghệ

Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" là cụm công trình nghiên cứu lớn, liền mạch và xuyên suốt với 3 nhóm mục tiêu cốt lõi được thể hiện trong 23 nghiên cứu. Trong đó, nổi bật nhất là những nghiên cứu về lao. Từ cơ bản đến nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu phát triển.

Bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đại diện nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng cao quý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Chia sẻ với phóng viên về lý do lựa chọn công trình nghiên cứu khoa học này, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Chúng ta đang có khát vọng chấm dứt bệnh lao. Thực tế, bệnh lao có hơn 140 năm qua, từ khi tìm thấy vi khuẩn lao nhưng đến nay chưa được giải quyết. Vì vậy, chúng tôi luôn đau đáu, khát vọng mong muốn chấm dứt bệnh lao”.

Trong nghiên cứu này, PGS Nguyễn Viết Nhung cùng 22 đồng tác giả đã xác định 4 điểm mới cần phải làm đó là: Đổi mới về tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư. Cụm công trình này là đổi mới công nghệ trong đó có một phần đổi mới tiếp cận. Nếu chỉ công nghệ không sẽ không hiệu quả về mặt thực tiễn mà phải đem công nghệ đến người cần nhất là bệnh nhân. “Với ý tưởng ban đầu là “vét tất cả các nguồn lây” trong cộng đồng, chúng tôi chọn tỉnh Cà Mau và thiết kế nghiên cứu ACT3 - nghĩa là phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng trong 4 năm và cho kết quả tốt đẹp”- PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết.

PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết, công trình này lần đầu tiên triển khai nghiên cứu với cỡ mẫu lớn gần 100.000 người, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm, phát hiện bệnh lao trong cộng đồng. Nhờ đó đã làm giảm bệnh lao nhanh hơn 44% so với can thiệp thường quy và nếu kết hợp tác động của các hoạt động thường quy có thể giảm đến 72% bệnh lao sau 4 năm triển khai nghiên cứu, là bằng chứng về tính khả thi của mục tiêu chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Đây là bằng chứng truyền cảm hứng cho toàn thế giới, tạo niềm tin cho những người mong muốn chấm dứt bệnh lao, cộng đồng những người chống lao. Kết quả của cụm công trình có tính lan tỏa rộng lớn, truyền được cảm hứng cho cộng đồng chống lao thế giới với chiến lược sàng lọc 2X (X-quang và Xpert). Trong đó, X-quang sàng lọc và Xpert khẳng định bệnh lao mang tính đột phá nhằm tăng cường phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng.

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam" có ý nghĩa hết sức to lớn đối với cộng đồng. Hàng năm, ước tính có khoảng 170.000 người mắc lao. Nếu không chữa lao, ước tính tỷ lệ tử vong khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, nếu được điều trị, tiếp cận với phương pháp chữa lao như chương trình hiện nay chỉ có 3% tỷ lệ tử vong (với những trường hợp phát hiện muộn hoặc có bệnh nền). Năm 2020, nước ta ước tính dưới 10.000 người tử vong do lao nhưng đến năm 2021, ước tính tăng lên gần 11.000 người tử vong do giảm số lượng người được phát hiện.

Mục đích của công trình này nhằm phát hiện bệnh lao một cách chủ động để nhiều người được tiếp cận với phương pháp khám, xét nghiệm tiên tiến, giảm tỷ lệ tử vong. Việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới, với tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5% mỗi năm trên toàn cầu.

Đột phá trong điều trị

Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, sau 40 năm lịch sử điều trị lao, nhóm đã nghiên cứu và phát triển thành công phác đồ điều trị lao 4 tháng, là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Việc rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 2/3 so với phác đồ hiện tại đã làm tăng khả năng tuân thủ điều trị, giảm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. “Đây là nghiên cứu mang tính chất đột phá về mặt điều trị. Bởi những phác đồ trước đây kéo dài tới 24 tháng, 20 tháng sau đó giảm còn 15 tháng, 12 tháng, 9 tháng. Phác đồ hiện tại là 4 tháng, đột phá về mặt điều trị” - PGS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc ứng dụng sáng tạo phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng và phác đồ có thuốc mới Bedaquiline điều trị tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc với hiệu quả điều trị cao và tác dụng phụ thấp, phối hợp với tối ưu hóa các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến đã giúp Việt Nam có kết quả điều trị cao hơn trung bình trên thế giới khoảng 15 - 20%. Cụm nghiên cứu này đã cứu sống hàng nghìn người bệnh lao đa kháng, tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc, trước đây coi như vô phương cứu chữa.

Bên cạnh đó, công trình này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với công tác phòng, chống lao trên thế giới. Việt Nam đang được đánh giá là mô hình mẫu, đi đầu. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, nước ta được đánh giá rất cao về sự hồi phục. Có thể nói, kết quả của công trình này đã góp phần quan trọng vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiến trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, được Tổ chức Y tế thế giới và quốc tế đánh giá cao.

Nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt hoàn toàn bệnh lao tại Việt Nam, theo PGS Nguyễn viết Nhung: Chúng ta phải phát huy được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ lần này để có thể lan tỏa đến toàn bộ mạng lưới hơn 19.000 cán bộ trong cả nước. Điều này tập trung tiến đến mục tiêu cao cả nhân văn, đó là chấm dứt bệnh lao, tránh cái chết của hàng chục nghìn người và làm cho hàng trăm nghìn gia đình hạnh phúc.

“Để làm được điều đó, chúng ta phải áp dụng những khuyến cáo đã được khẳng định, có bằng chứng. Đó là phát hiện chủ động, chụp X-quang để sàng lọc, Xpert để khẳng định. Trong môi trường bệnh viện cần phát hiện một cách tích cực. Với những trường hợp có triệu chứng về hô hấp chưa chụp X-quang nên chụp X-quang một lần để khẳng định, loại trừ hay có nghi ngờ bệnh lao. Với Xpert, chúng ta sẽ lan tỏa, áp dụng thay thế phương pháp soi kính hiển vi” - PGS Nguyễn Viết Nhung phân tích

Điều quan trọng, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, cần nguồn lực, nhiều người cùng tham gia. Nguồn lực không chỉ là cán bộ chống lao mà còn cả cộng đồng để cùng nhau phổ biến kiến thức cho người dân. Mặt khác, theo PGS Nguyễn Viết Nhung: Bệnh lao cần phải có hướng nghiên cứu mới tiếp theo. Phác đồ điều trị 4 tháng chưa phải là ngắn, phải phát triển thêm những phác đồ mới có thể ngắn hơn hoặc ít thuốc hơn, áp dụng nhiều thuốc mới hơn. Hay một hướng nghiên cứu khác để phát hiện bệnh lao nhanh hơn ngoài kỹ thuật hiện đại, cần có những biện pháp nhạy hơn.

“Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đánh giá, đo lường để huy động người dân, cộng đồng chủ động phòng, chống bệnh lao. Đây là hướng nghiên cứu xã hội học để người dân hiểu bệnh lao tương tự như Covid-19, không kỳ thị với bệnh lao như trước kia. Từ năm 2020, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu lấy hiểm họa dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam chống bệnh lao. Ngoài ra, chúng tôi mới có một số manh mối về ý tưởng khoa học làm sao áp dụng Đông y của Việt Nam với lao hạch, lao ngoài phổi… cho từng cá thể. Đây là hướng nghiên cứu tiếp theo sẽ mở rộng” - PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này