Không để hàng giả, hàng lậu lộng hành

07:45 | 01/12/2022
(LĐTĐ) Trả tiền thật nhưng không ít người lại nhận phải hàng giả đó là câu chuyện không mới khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp thời gian qua. Để giải quyết triệt để vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp, thì cũng cần trách nhiệm của cả người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái bán qua livestream: Vì sao khó quản, khó xử lý? Hàng giả, hàng nhái bao giờ đến hồi kết?

Buôn lậu, gian lận thương mại phức tạp dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tiêu thụ, hàng giả, hàng nhái trên thị trường thường tăng cao đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm suy giảm niềm tin người tiêu dùng và làm thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Không để hàng giả, hàng lậu lộng hành
Hàng giả, hàng nhái thường vẫn được bày bán công khai tại các chợ dân sinh.

Theo số liệu từ Tổng Cục Quản lý thị trường, số lượng hàng giả, hàng nhái trong năm 2021 bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ là 4.044 vụ, với giá trị 110 tỉ đồng, trong đó lực lượng chức năng xử phạt trên 44 tỉ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại quý 3 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) cho thấy, tính đến hết quý 3/2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 99.975 vụ vi phạm, trong đó có 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; nộp ngân sách Nhà nước 7.666 tỉ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021)…

Những con số trên cho thấy, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi; nhiều đối tượng đã lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại đang có dấu hiệu gia tăng vào dịp cuối năm đã trở thành một thách thức đối với các cơ quan quản lý.

Đề cập đến nguyên nhân tồn tại tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tại tọa đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt” diễn ra ngày 29/11 vừa qua, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng chung quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê chỉ ra, những nguyên nhân của thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp, tinh vi, đó là do lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất lớn. Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã gây khan hiếm hàng hóa, các đối tượng lợi dụng nguồn cung hàng thật bị hạn chế, đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng đã đưa ra các sản phẩm hàng giả ngày càng nhiều hơn.

Một trong những nguyên nhân nữa chính là ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của nền tảng thương mại điện tử cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến việc khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm…

Cần vào cuộc quyết liệt hơn

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, những năm gần đây Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày càng phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; Việt Nam phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, thiệt hại cho doanh nghiệp, gây thất thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là làm mất niềm tin người tiêu dùng.

Không để hàng giả, hàng lậu lộng hành
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng gian lận thương mại.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là khi hàng giả, hàng nhái đã xâm nhập sâu vào các trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hiện đại…, cùng với sự vào cuộc sát sao của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, theo ông Nguyễn Đức Lê, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu đến năm 2025, không để hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi. Cùng với đó, mục tiêu thứ hai mà lực lượng Quản lý thị trường hướng đến là, đến năm 2025, 100% các làng nghề không được phép sản xuất, bán công khai các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó là các tuyến phố du lịch tuyệt đối xóa bỏ bán hàng giả, hàng nhái. Không để Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là nơi ngang nhiên bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.“Việc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu là rất khó khăn, nếu doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng không thống nhất, đồng lòng phối hợp thì việc đấu tranh sẽ còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đức Lê khẳng định.

Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực vào cuộc xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua, tuy nhiên ở góc độ doanh nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam Nguyễn Triết kiến nghị, trong thời gian tới, lực lượng chức năng đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong khi đó, đề cập đến nội dung này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cũng cho rằng, hai khó khăn lớn nhất trong hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là hành lang pháp lý và kinh phí hoạt động. “Để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả các cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Song song đó, cần phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Đồng thời, cần các quy định để điều kiện cho các tổ chức xã hội thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn”, ông Vũ Văn Trung bày tỏ./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này