Blockchain - công nghệ đòn bẩy cho kinh tế số

08:24 | 01/12/2022
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia, những xu hướng mở rộng của công nghệ chuỗi khối (blockchain) như NFT, Metaverse, DeFi, DAO… vốn đang là trọng tâm của cách mạng 4.0 trên thế giới mà Việt Nam cần phải nắm bắt và theo kịp, nếu muốn giành vị thế chủ động trong cuộc đua công nghệ. Đây cũng là tiềm năng tốt nhằm thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, để góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Token hóa tài sản có thực sự là hướng đi mới cho doanh nghiệp 4.0? Thúc đẩy tiềm năng của công nghệ blockchain tại Vietnam Blockchain Summit 2022

Tăng khả năng tiếp cận thị trường tài sản kỹ thuật số

Tại Hội nghị “Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc” do Báo Đầu tư phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc (KONCA) và Công ty TNHH Tin tức NBN (NBN) tổ chức mới đây, ông Trần Quang Chiến, người đồng sáng lập nền tảng hợp đồng thông minh hiệu suất cao ONUS Chain cho biết, trong năm 2021, công nghệ blockchain bùng nổ rất mạnh và theo một số liệu của diễn đàn kinh tế thế giới, vào năm 2025, 10% GDP sẽ lưu trữ trên blockchain. 81/100 các doanh nghiệp của thế giới ứng dụng blockchain, trong đó có 27 doanh nghiệp hiện tại đã có sản phẩm đưa vào triển khai.

Blockchain - công nghệ đòn bẩy cho kinh tế số
Hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc mở ra tiềm năng hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là blockchain. Ảnh: Quang Linh

Do đó, lĩnh vực công nghệ nói chung và blockchain nói riêng đang là những chủ đề hấp dẫn nhận được sự quan tâm của cả các đơn vị truyền thông và nhà đầu tư. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó có công nghệ blockchain.

Sự bắt tay hợp tác giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc và kênh NBN Hàn Quốc tại Hà Nội đã mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là blockchain.

Là một trong những doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, Giám đốc công ty Meta Planet Jun Kwon đã nhìn thấy nhiều tiềm năng hấp dẫn tại thị trường này. Ông Jun Kwon chia sẻ, Meta Planet với lợi thế phát triển các dự án liên quan tới NFT và metaverse đã chuẩn bị sẵn sàng để chinh phục và mở rộng đầu tư tới Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc công ty Meta Planet cho biết: “Thị trường Việt Nam là thị trường trẻ có nhiều lao động trẻ.Do đó, Meta Planet đã chuẩn bị những nội dung liên quan tới NFT và metaverse để đáp ứng xu hướng của người dùng tại Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc phát triển tại thị trường tại Việt Nam. Tôi cũng phán đoán chính sách đầu tư về blockchain tại Việt Nam cũng sẽ khó hơn một chút so với Hàn Quốc, nhưng thông qua Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chúng tôi cũng có cơ hội hiểu hơn về thị trường Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước để có sự chuẩn bị tốt hơn khi bước vào thị trường này”.

Theo Chủ tịch của NBN, kênh tin tức blockchain số 1 tại Hàn Quốc Choi Kang Yong, xu hướng chuyển đổi sang tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất mạnh mẽ, không chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới. Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động lên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, công nghệ blockchain hiện cũng đang được chú trọng và được coi là trung tâm của cuộc cách mạng kinh doanh.

Thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc được ước tính trị giá lên đến 23 tỷ USD với hơn 7 triệu người dùng giao dịch mỗi ngày. Thị trường toàn cầu hiện nay ở mức 900 tỷ USD, tương đương với 20 triệu tỷ đồng. Với tiềm năng lớn như vậy, đây là lúc để các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc suy nghĩ lại về thị trường vốn và khả năng tiếp cận thị trường tài sản kỹ thuật số với một góc nhìn rộng hơn. Bên cạnh đó, cần hướng đến việc khai thác thị trường vốn như một giải pháp đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn.

“Sự hợp tác phát triển về công nghệ blockchain giữa Việt Nam và Hàn Quốc là lúc để thúc đẩy, ươm tạo tài sản kỹ thuật số và thế giới siêu dữ liệu ngoài Việt Nam, cũng như Hàn Quốc. Tương lai thị trường tài chính sẽ tiếp tục thay đổi nhờ công nghệ blockchain”, ông Choi Kang Yong chia sẻ.

Nhận định về tiềm năng từ sự hợp tác cùng phát triển này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho biết: “Hàn Quốc có sự bùng nổ blockchain. Ứng dụng NFT được thúc đẩy nhiều trong lĩnh vực giải trí, ứng dụng nghệ thuật là những lĩnh vực chúng ta có thể học tập. Các vấn đề luật pháp về blockchain tại Hàn Quốc rất tốt. Thị trường Hàn Quốc hiện nay được cho là phát triển blockchain có luật lệ tương đối tốt tại khu vực châu Á”.

Thay đổi nhận thức về cách vận hành nền kinh tế số

Vốn là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp blockchain tại Việt Nam, kể từ khi chính thức ra mắt công chúng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã thực hiện hàng loạt công việc hướng tới ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ blockchain vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó có vấn đề hỗ trợ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam: Trong những năm gần đây, nước ta đã chứng kiến sự du nhập và phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain. Khi số doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và kỹ sư theo đuổi công nghệ blockchain ngày càng tăng cao, nhu cầu kết nối, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ cũng ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, lĩnh vực blockchain thường bị nhìn nhận là chỉ có tài chính, tiền mã hóa, kiến thức quá phức tạp, mặc dù công nghệ này và ứng dụng NFT đã và đang được thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực như giải trí, nghệ thuật… Trên thực tế, công nghệ blockchain ứng dụng được đến hơn 50 lĩnh vực hoạt động kinh tế dịch vụ khác nhau.

Bởi vậy, doanh nghiệp đang muốn chuyển đổi số có thể sử dụng blockchain trong từng phạm vi với ngân sách thí điểm cho những sản phẩm như loyalty (lòng trung thành của khách hàng), hay những ứng dụng như khai thác về blockchain trong private chain (blockchain riêng tư) hay enterprise chain (blockchain doanh nghiệp). Song, để ứng dụng thực sự hữu ích, cần bắt đầu từ người chủ doanh nghiệp có cách nhìn tổng thể trong chuyển đổi số và dám mạnh dạn với những thách thức mới, cũng như có nguồn ngân sách đủ tốt để tiếp cận công nghệ blockchain.

“Blockchain có lẽ không thật cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ mà cần cho doanh nghiệp lớn, blockchain không đem lại giá trị cho những quy mô khách hàng nhỏ, mà chỉ làm đắt đỏ thêm. Khi chúng ta nhìn thấy những hạn chế như vậy của blockchain chắc chắn chúng ta cũng thấy rõ các lợi ích của blockchain. Bởi vậy, Hiệp hội Blockchain Việt Nam luôn sẵn sàng về nguồn nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu, phổ cập giáo dục, thúc đẩy chính sách pháp lý, đồng hành cùng doanh nghiệp, chính phủ Việt Nam và các tổ chức để đưa công nghệ blockchain vào đời sống. Đây cũng chính là thời điểm để thay đổi nhận thức của người dân về cách vận hành nền kinh tế số", ông Phan Đức Trung cho biết./.

Trong công nghệ blockchain, NFT - token kỹ thuật số độc nhất đang được cho là có tiềm năng ứng dụng vào việc quản lý định danh số của công dân. Metaverse là khái niệm về một vũ trụ mở cho phép người tham gia trải nghiệm thế giới thực lẫn ảo một cách liền mạch, qua đó tăng cường sức mạnh của nền kinh tế khi các vật phẩm, hàng hóa, hoạt động mua bán của con người có thể được đồng bộ liên tục giữa không gian số và không gian thực. DeFi, DAO là những cách thức tiếp cận nền kinh tế theo một hướng mới đề cao tính minh bạch nhưng vẫn đảm bảo an toàn, cắt giảm những quy trình liên quan đến con người và được số hóa toàn diện qua sự trợ giúp các chương trình máy tính (dưới dạng hợp đồng thông minh - smart contract) và mạng lưới blockchain.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này