Công đoàn cần chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân

18:16 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Ngày 29/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động và tổ chức các cuộc vận động của Công đoàn”. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì Hội thảo.
Công đoàn cần khẳng định vai trò trong đối thoại, thương lượng tập thể và bảo vệ người lao động Đánh giá đúng thực tế tình hình công nhân, viên chức, lao động để hoạch định chính sách hiệu quả Cán bộ, đảng viên Tổng LĐLĐ Việt Nam dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị

Theo đó, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Công đoàn đã tập trung thảo luận về vai trò của tổ chức Công đoàn thể hiện ở 3 nhóm nội dung: Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; xây dựng văn hóa của tổ chức Công đoàn; có nên có cuộc vận động riêng của tổ chức Công đoàn?

Công đoàn cần chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo.

Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn An Ninh (Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh lần đầu tiên được đề cập đến trong Nghị quyết của Đảng. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, để đạt được mục tiêu trên, Công đoàn Việt Nam cũng cần hiện đại hóa, để công tác vận động của tổ chức Công đoàn theo kịp với những đòi hỏi của xu thế.

Trong đó, theo PGS.TS Nguyễn An Ninh, thương lượng phải là hoạt động thường xuyên của tổ chức Công đoàn; trong công tác vận động, tuyên truyền, Công đoàn cần chú trọng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động.

Bàn thêm về nội dung này, PGS.TS Dương Văn Sao (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn) cho rằng: Cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng vận động công nhân lao động để nâng cao tinh thần, trách nhiệm không chỉ của tổ chức Công đoàn, mà của cả các cấp, các ngành. Cần nhận thức rõ, công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động không chỉ của tổ chức Công đoàn mà của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. “Nếu không có nhận thức đúng, không thể hành động đúng”, PGS.TS Dương Văn Sao nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Dương Văn Sao cũng cho rằng, cần đa dạng hình thức tuyên truyền: Tiến hành tổng hợp các biện pháp, thường xuyên, liên tục để tạo sự chuyển biến tích cực. Đồng thời, công tác tuyên truyền phải chân thực, khách quan, kịp thời. Đi liền với đó, cần tăng cường công tác tổng kết, nghiên cứu lý luận và thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị.

Công đoàn cần chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân
PGS.TS Dương Văn Sao phát biểu tại Hội thảo.

Trao đổi về vấn đề này tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng: Công đoàn cần phải nhận thức đúng, đủ và khách quan về công tác tuyên truyền, vận động, từ đó tạo sự chuyển biến trong hành động.

Trong đó, vấn đề kỹ năng nghề là vấn đề cốt yếu của công nhân lao động hiện nay. Muốn xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, điều quan trọng cần quan tâm là chất lượng lao động; cụ thể là việc nâng cao kỹ năng nghề cần xác định là cốt lõi trong công tác tuyên truyền, giáo dục hiện nay của tổ chức Công đoàn, vì nó gắn liền với tiền lương, thu nhập của công nhân lao động.

"Muốn làm được như vậy, Công đoàn phải đồng hành với đoàn viên, phải thay đổi tư duy và hành động", Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề xây dựng văn hóa của tổ chức Công đoàn, PGS.TS Đinh Thị Vân Chi (Trường Đại học Văn hóa) cho rằng: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện; tổ chức và hoạt động của Công đoàn theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó, quyền và trách nhiệm của Công đoàn được quy định trong Luật Công đoàn 2012.

Theo đó, để Công đoàn có thể hoạt động tốt và phát huy tốt vai trò của mình, thì văn hóa của tổ chức Công đoàn phải là một mô hình phù hợp, thỏa mãn được những tiêu chí nêu trên.

PGS.TS Đinh Thị Vân Chi cho rằng: Dựa trên những tiêu chí cốt lõi trên, có thể thấy văn hóa của Công đoàn phải là một mô hình văn hóa tổ chức, mà có khả năng: Bảo đảm được nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm được nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy được tính tự nguyện của đoàn viên; liên hệ mật thiết với quần chúng; tạo điều kiện để chăm lo bảo vệ quyền lợi của người lao động; có thể tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; có thể thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; có thể tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này