Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 31: Cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng

14:59 | 29/11/2022
(LĐTĐ) Chiều nay (29/11), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 31 khóa XII. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị.
Công đoàn cần khẳng định vai trò trong đối thoại, thương lượng tập thể và bảo vệ người lao động Đánh giá đúng thực tế tình hình công nhân, viên chức, lao động để hoạch định chính sách hiệu quả Cán bộ, đảng viên Tổng LĐLĐ Việt Nam dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Hội nghị kỳ này sẽ cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 31: Cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Hội nghị.

Về dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, chương trình công tác công đoàn năm 2023, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động công đoàn thuận lợi hơn so với năm 2020, 2021. Đây cũng là năm chúng ta tổ chức, triển khai nhiều giải pháp trong Chương trình hành động 02 của Tổng Liên đoàn để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Vì vậy, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch nghiên cứu kỹ dự thảo báo cáo và thực tế của từng ngành, địa bàn được phân công theo dõi, tập trung thảo luận, phân tích kỹ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; đặc biệt là một số vấn đề nổi lên gần đây liên quan đến cắt giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm; qua đó, đề xuất các giải pháp của Công đoàn trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về chương trình công tác công đoàn năm 2023, tại Hội nghị lần thứ 30 Đoàn Chủ tịch đã thống nhất chọn chủ đề hoạt động công đoàn năm 2023 “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”, Tổng Liên đoàn đã ban hành thông báo về một số nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2023. Tuy nhiên, để rõ hơn, cụ thể hơn những nội dung, nhiệm vụ, công việc của từng cấp Công đoàn, nhất là năm 2023 là năm diễn ra Đại hội, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã dự thảo “Chương trình công tác Công đoàn năm 2023”, đây là một nội dung mới so với các năm trước đây. Do vậy, đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 31: Cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật trình bày Dự thảo (lần 2) Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung.

Về báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh đây là nội dung hết sức quan trọng, sẽ định hướng hoạt động công đoàn trong một giai đoạn. Do vậy, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu cho ý kiến, trong đó quan tâm tới những đánh giá kết quả của nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã phù hợp, chính xác chưa, chú ý đối chiếu với những vấn đề liên quan được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, các chủ trương của Đảng, nhà nước, các chương trình, nghị quyết của Ban Chấp hành đã được ban hành để cụ thể hóa, đặc biệt là hệ thống các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Về dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đề nghị Đoàn Chủ tịch tập trung thảo luận vào các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành trước khi lấy ý kiến tại đại hội, hội nghị Công đoàn các cấp bắt đầu từ tháng 12/2022.

Với hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, yêu cầu sửa đổi lần này phải đáp ứng được 3 mục tiêu: Khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế. Dự kiến, hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10, 11/2024).

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 31: Cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng
Đại biểu dự Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 31 khóa XII.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Tờ trình đề xuất phê duyệt Đề án thí điểm sắp xếp Công đoàn ngành tập trung xuyên suốt hiệu quả, là 1 trong 17 đề án trong Chương trình hành động số 02 thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

“Đây là một trong các đề án lớn, do vậy, đề nghị các đồng thảo luận thật kỹ, nhất là các nội dung về bố cục, căn cứ xây dựng đề án, thực trạng tổ chức và hoạt động của Công đoàn theo ngành nghề; về quan điểm, mục tiêu, phương hướng sắp xếp Công đoàn ngành tập trung xuyên suốt hiệu quả; các giải pháp, đề xuất kiến nghị với tỉnh, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng ủy để đảm bảo tính khả thi của đề án” - Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho hay.

Ngoài các nội dung trên, Hội nghị cũng cho ý kiến vào Đề án Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định thay thế Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016, nhất là liên quan đến nội dung điều tiết các quỹ của tổ chức Công đoàn; Quy chế quản lý cung văn hóa, nhà văn hóa lao động và một số nội dung quan trọng khác.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này