Kiến nghị diện tích tối thiểu phòng trọ là 10m2

08:38 | 29/11/2022
Tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ về ký túc xá, phòng trọ cho thuê đối với công nhân lao động. Trong khi đó, tại nhiều khu cho thuê trọ của các hộ kinh doanh thì phòng trọ nhỏ, hẹp, xập xệ và không đảm bảo các điều kiện về sinh hoạt tối thiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định về diện tích tối thiểu của phòng trọ, đồng thời không tạo áp lực về tăng giá tiền vượt qua khả năng tài chính của người thuê.
Muôn nẻo chống nóng của công nhân Phòng trọ đột ngột tăng giá, sinh viên chật vật tìm chỗ ở mới
Kiến nghị diện tích tối thiểu phòng trọ là 10m2
Công nhân sống khó khăn trong nhà trọ ẩm thấp, chật chội. Ảnh: Minh Hương

Nhiều dãy nhà trọ không đảm bảo điều kiện sinh hoạt

Gần 6 năm làm công nhân thuộc một công ty thiết bị công nghệ tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thất phải thuê trọ gần nơi làm việc để tiện đi làm. Căn phòng trọ khoảng 10m2 với giá 500.000 đồng (chưa bao gồm điện, nước) là nơi trọ của vợ chồng chị Thất.

“Chật chội, ẩm thấp, cũ kỹ… là nơi tôi sống suốt 6 năm qua. Vợ chồng tôi có một bé gái gần 5 tuổi nhưng phải gửi về quê, xa bố mẹ vì chỗ ở hiện nay không đảm bảo. Nếu thuê, mua nhà ở xã hội, chúng tôi làm gì có cơ hội” - chị Thất nói.

Vợ chồng chị Huỳnh Thị Ngát (quê Phú Thọ) cũng trong tình trạng tương tự. Căn phòng trọ chỉ đủ kê một chiếc giường, chỗ để nấu ăn tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội là nơi trọ của gia đình chị Ngát. Phòng trọ chật chội, điều kiện sống không đảm bảo nhưng chị Ngát bảo “chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, phải ở trong những căn phòng trọ chật hẹp vì chi phí eo hẹp”.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp công nhân, người lao động phải thuê trọ trong những căn phòng không đảm bảo chất lượng.

TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động.

Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của công nhân, lao động. Mô hình nhà trọ này rất đa dạng, tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nên chất lượng nhà ở thường không đảm bảo sự tiện nghi.

Khảo sát của Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cho hay, trên địa bàn thành phố đang có khoảng 60.470 dãy nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình tự đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê và có thể đáp ứng chỗ ở cho 1.430.000 người.

Đa số các khu nhà trọ này thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn và PCCC. Trong số này, chiếm phần lớn là loại phòng trọ nằm trong dãy phòng trọ cho thuê độc lập, tách biệt hẳn với nơi ở của chủ sở hữu có diện tích tối thiểu 10m2 theo Thông tư 20/2016/TT-BXD.

Loại dãy phòng trọ cho thuê độc lập này tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 7, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với 34.800 công trình, tổng số phòng trọ cho thuê là 357.246 phòng, tổng diện tích sàn xây dựng 6.275.913m2 có thể giải quyết được nhu cầu thuê chỗ ở cho 943.341 người. Loại phòng trọ khác nằm chung trong nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân và họ dành một phần nhà, ngăn chia thành từng phòng để cho thuê…

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA), loại toà nhà phòng trọ chất lượng và bài bản hiện có rất ít nên cần được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, do Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh chứ không cho phép doanh nghiệp được đầu tư xây dựng, kinh doanh phòng trọ nên doanh nghiệp không thể tham gia. Trong khi đó, nếu cho phép doanh nghiệp được đầu tư xây phòng trọ cho thuê sẽ đảm bảo chất lượng hơn và tạo sức ép cạnh tranh để buộc các hộ gia đình, cá nhân phải đầu tư xây dựng khu nhà trọ tốt hơn.

Kiến nghị “diện tích tối thiểu” phòng trọ là 10m2

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiệp hội đã gửi đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và quyết định “diện tích tối thiểu” của phòng trọ là 10m2 (hoặc có thể là 12m2; 15m2), diện tích sử dụng không nhỏ hơn 5m2 (hoặc có thể là 6m2; 7,5m2) cho một người.

Theo ông Châu, quy định này rất cần thiết để vừa đảm bảo không gian ở phù hợp, vừa đáp ứng được các cam kết quốc tế về điều kiện ở của công nhân lao động, nhưng không tạo áp lực làm tăng giá tiền thuê phòng trọ vượt quá khả năng tài chính của người thuê.

HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét quy định khu nhà trọ có từ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn (tivi) kết nối internet. Bởi lẽ, đây là tiện ích tối thiểu và cũng là không gian giao lưu, kết nối cộng đồng người thuê phòng trọ và với cả chủ phòng trọ cho thuê.

“Do trên thực tế hiện nay cả nước đã có hàng trăm nghìn phòng trọ cho thuê có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 10m2/phòng (được xây dựng theo quy định trước đây tại Điều 3 Thông tư 20/2016/TT-BXD) đã giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động, rất cần giữ sự ổn định, nhất là giữ ổn định giá tiền thuê phòng trọ. Vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ chỉ áp dụng cho các công trình phòng trọ xây dựng mới. Đi đôi với khuyến khích các chủ nhà trọ hiện hữu áp dụng để từng bước nâng cao chất lượng phòng trọ cho thuê” - ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Theo Vương Trần/Laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/kien-nghi-dien-tich-toi-thieu-phong-tro-la-10m2-1121737.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này