Công tác tài chính Công đoàn Thủ đô: Thu hiệu quả, chi thiết thực

08:31 | 15/11/2022
(LĐTĐ) Xác định tầm quan trọng của công tác tài chính Công đoàn trong việc đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã có những biện pháp chỉ đạo sát sao đối với công tác này, qua đó đạt những hiệu quả thiết thực. Công tác thu tài chính Công đoàn đảm bảo hiệu quả, công tác chi được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định với những nội dung chi thiết thực.
Thực hiện nghiêm túc công tác tài chính Công đoàn Công tác tài chính Công đoàn: Tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn thu bền vững

Thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn đạt và vượt dự toán

Theo báo cáo của LĐLĐ Thành phố về kết quả thực hiện Chương trình 740/Ctr-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Kế hoạch 40/KH-LĐLĐ của LĐLĐ thành phố Hà Nội về xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, thời gian qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có những biện pháp chỉ đạo sát sao đối với công tác tài chính Công đoàn, nhờ đó, công tác tài chính Công đoàn đạt kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt, trước hết là ở việc thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn.

Công tác tài chính Công đoàn Thủ đô: Thu hiệu quả, chi thiết thực
Hội nghị tập huấn công tác tài chính Công đoàn do Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức trong năm 2022.

Đối với thu kinh phí Công đoàn, các cấp Công đoàn đã thực hiện bằng nhiều giải pháp như: Thu qua kho bạc đối với các đơn vị hành chính, thu qua tài khoản Công đoàn Việt Nam đối với doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các ban ngành cùng cấp đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp kinh phí Công đoàn. Các cấp Công đoàn cũng tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về nghĩa vụ nộp kinh phí Công đoàn tới các đơn vị, doanh nghiệp.

Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã phối hợp với cơ quan, ban ngành chức năng cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra hoặc tham gia đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, trong đó có thực hiện đóng kinh phí Công đoàn tại doanh nghiệp, tập trung kiểm tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội và kinh phí Công đoàn để truy thu kinh phí những năm trước do doanh nghiệp chưa đóng, từ đó tăng số đơn vị thực hiện đóng kinh phí Công đoàn…Kết quả, thu kinh phí Công đoàn của các cấp Công đoàn Thủ đô hàng năm đều đạt và vượt dự toán Tổng LĐLĐ Việt Nam giao: Năm 2020 đạt 113%, năm 2021 đạt 122% và năm 2022 ước đạt 100%.

Đối với thu đoàn phí Công đoàn, đại diện Ban Tài chính LĐLĐ Thành phố cho biết, thời gian qua, mặc dù hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo, đôn đốc sát sao của các cấp Công đoàn, sự tham gia tích cực của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở nên chỉ tiêu thu đoàn phí Công đoàn của các cấp Công đoàn Thủ đô cũng luôn hoàn thành vượt kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao: Năm 2020 đạt 110%, năm 2021 đạt 109%, năm 2022 ước đạt 100%.

Ngoài những nguồn thu chủ yếu về đoàn phí và kinh phí Công đoàn; các cấp Công đoàn sử dụng nguồn tích lũy linh hoạt, mở tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng có uy tín để tăng nguồn thu cho đơn vị. Bên cạnh đó, hoạt động Công đoàn các cấp còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí hoạt động của chính quyền, chuyên môn đồng cấp, bổ sung nguồn kinh phí hoạt động; hỗ trợ đào tạo cán bộ Công đoàn, công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; trợ cấp đoàn viên, người lao động và hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động của các cấp Công đoàn. Nguồn thu này góp phần cho hoạt động Công đoàn ngày càng phong phú và có hiệu quả hơn.

Quản lý chặt chẽ, chi tài chính tiết kiệm, thiết thực

Theo Ban Tài chính LĐLĐ Thành phố, cùng với thực hiện tốt công tác thu tài chính Công đoàn, công tác quản lý chi tài chính Công đoàn của các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, phân phối theo đúng quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai phân cấp thu kinh phí và giao mức nộp cho tất cả các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; thực hiện giao dự toán chi tài chính Công đoàn đảm bảo các cấp Công đoàn Thủ nguồn kinh phí hoạt động và có dự phòng.

Các cấp Công đoàn Thủ đô thực hiện phân phối kinh phí cho Công đoàn cơ sở theo đúng quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc tăng tỷ lệ kinh phí cho Công đoàn cơ sở hoạt động hàng năm được thực hiện nghiêm túc. Công tác quản lý tài chính được các đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ ở đơn vị; 100% Công đoàn cấp trên cơ sở ban hành quy chế chi tiêu nội bộ làm cơ sở để thực hiện; các nội dung, đối tượng, định mức chi đều tuân thủ quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam, chi tiêu đảm bảo quy định. Đối với Công đoàn cơ sở theo phân cấp, giao Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chủ động xây dựng mức chi và tổ chức thực hiện theo nguồn thu thực tế tại đơn vị.

Công tác chi tài chính tại các cấp Công đoàn đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và phúc lợi đoàn viên. Các hoạt động chi tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, nhất là các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, vì lợi ích đoàn viên như: Tư vấn, trợ giúp pháp lý, tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân, chăm lo Tết Nguyên đán, hỗ trợ người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động...

Theo Ban Tài chính LĐLĐ Thành phố, tỷ trọng chi cho các hoạt động phong trào và chăm lo đoàn viên, người lao động toàn thành phố chiếm từ 75% đến 77% tổng số chi trong các năm.

Phấn đấu xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo của LĐLĐ Thành phố, công tác tài chính Công đoàn ở Thủ đô vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, việc triển khai thực hiện thu qua một tài khoản Công đoàn Việt Nam tại ngân hàng Vietinbank và Agribank tuy đã có khởi sắc, số thu qua tài khoản Công đoàn Việt Nam năm sau cao hơn năm trước song việc mở tài khoản và nộp tiền qua tài khoản Công đoàn Việt Nam kết quả đạt thấp, chưa tương xứng với khả năng của đơn vị. Tỷ lệ báo cáo quyết toán của các Công đoàn cơ sở chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thất thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước (chưa đạt chỉ tiêu từ 90% trở lên số phải thu).

Có một số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nói trên, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp ở khối quận, huyện có số lao động, đoàn viên ít (doanh nghiệp có dưới 30 lao động chiếm 58%) hoặc doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, theo mùa vụ thì hoạt động Công đoàn ở những đơn vị này thực sự khó khăn dẫn đến việc trích đóng kinh phí Công đoàn khó khăn …

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục thực hiện một số giải pháp, trong đó, các cấp Công đoàn sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến Công đoàn cơ sở, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nhà nước; Tổng LĐLĐ Việt Nam bằng nhiều hình thức; lồng ghép các nội dung tuyên truyền cùng với các chương trình hoạt động của tổ chức Công đoàn để đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động phối hợp với các ban ngành chức năng liên quan để thực hiện việc rà soát, thống kê danh sách các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, nắm chắc đối tượng phải thu kinh phí Công đoàn.

Đồng thời, các cấp Công đoàn cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đồng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Luật và Nghị định của Chính phủ, tăng thu kinh phí Công đoàn theo quy định, phấn đấu xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới như tinh thần chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này