Cần nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

19:22 | 12/11/2022
(LĐTĐ) Phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) không phải nhiệm vụ của riêng ngành Y tế và các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nếu không dịch bệnh sẽ bùng phát trong thời gian tới.
Lo ngại dịch sốt xuất huyết tăng mạnh Đề phòng bệnh sốt xuất huyết tiến triển nặng Không lơ là, chủ quan trước dịch sốt xuất huyết

Sở Y tế Hà Nội cho biết, 2 tuần gần đây, số ca mắc SXH tại Hà Nội tăng nhanh, trên 1.200 ca/tuần. Điển hình trong tuần qua (từ ngày 28/10 - 4/11) trên địa bàn Thành phố ghi nhận hơn 1.312 ca mắc. Bệnh nhân SXH ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Đống Đa.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 ghi nhận 10.716 ca mắc SXH, 12 tử vong; số mắc tăng gấp 3,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.

Cần nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng phun thuốc phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trước tình hình số ca mắc bệnh SXH có xu hướng gia tăng, ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức hộ gia đình thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường xung quanh để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Trước lượng bệnh nhân ghi nhận thời gian vừa qua vẫn ở mức tăng cao, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay tại cộng đồng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn...

Qua công tác kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH trên địa bàn Thành phố vẫn có những tồn tại, đặc biệt là ý thức của người dân tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh SXH còn chưa cao, chưa vào cuộc chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH cho bản thân.

"Qua kiểm tra, giám sát và phỏng vấn người dân về dịch bệnh SXH, về sự hiểu biết các biện pháp chủ động phòng chống dịch thì người dân vẫn còn lơ là, chủ quan. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, có những người dân thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Do đó, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH cần phải quyết liệt hơn nữa và cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, tổ dân phố cùng vào cuộc tham gia giám sát tổ xung kích diệt bọ gậy ngay tại địa bàn triển khai thực chất, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch SXH", bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo, tình hình dịch bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn gia tăng trong thời gian tới với điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh và việc di biến động dân cư trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, dịch bệnh SXH sẽ có đỉnh điểm vào tháng 11, 12 cuối năm.

Để công tác phòng chống dịch bệnh SXH được hiệu quả, theo bà Trần Thị Nhị Hà, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành chỉ thị yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận,huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống SXH trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống SXH.

"Đối với người dân, tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch SXH, trong đó thực hiện tốt công tác phòng, chống muỗi đốt. Người dân cần chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt... và phối hợp trong công tác phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống SXH"- lãnh đạo Sở Y tế chỉ rõ

Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Công văn số 4953/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch SXH trên địa bàn.

Thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chông dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tham mưu giải pháp khắc phục; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, chuyển tuyến người bệnh SXH.

Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh SXH. Tăng cường theo dõi người bệnh SXH, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên.

Tổ chức bình bệnh án, kiểm thảo tử vong, báo cáo Sở Y tế những ca bệnh tử vong do SXH để rút kinh nghiệm kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của các khoa…

Bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi điều trị tại nhà, do SXH thường sốt cao (39 - 40,5 độ), sốt liên tục và dai dẳng, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, người bệnh chỉ uống hạ sốt paracetamol (dùng đúng liều đúng khoảng cách), lưu ý không dùng hạ sốt Ibuprofen. Ibuprofen hạ sốt mạnh và thời gian tác dụng dài hơn so với Paracetamol, song không được dùng cho trẻ mắc SXH vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

"Một trong biến chứng nguy hiểm của SXH đó là cơ thể thiếu, mất dịch, rơi vào tình trạng sốc. Do đó, khi được chẩn đoán là SXH, điều cực kỳ quan trọng đó là bảo đảm đủ cơ thể đủ nước. Có 3 loại đồ uống rất tốt cho hồi phục SXH là: Oresol, sữa, nước hoa quả cung cấp điện giải và multivitamin (chuối, cam, kiwi, bơ, dừa)", bác sĩ Đỗ Anh nhấn mạnh.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này