10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống:

Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến tích cực từ ý thức

18:25 | 09/11/2022
(LĐTĐ) Trong 10 năm qua, việc quán triệt, triển khai Luật Phổ biến giáo dục, pháp luật (PBGDPL) đã được các cấp, các ngành trên phạm vi thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, kịp thời, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt và phù hợp với các mô hình, cách làm hay và sáng tạo.
Ngày Pháp luật Việt Nam: Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật Hà Nội: Đa dạng các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Với mong muốn bạn đọc có cái nhìn tổng quát về công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, sáng 9/11, Báo Kinh tế & Đô thị cùng Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”.

Lấy người dân là trung tâm của hoạt động Phổ biến, giáo dục pháp luật

Tại buổi toạ đàm, bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Hà Nội) đánh giá, qua thực hiện 10 năm Luật PBGDPL cho thấy công tác PBGDPL tại Hà Nội đã có những bước đột phá, chuyển biến trên nhiều mặt. Phòng PBGDPL đã có nhiều cách làm hay, thiết thực để hưởng dẫn cơ sở thực hiện tuyên truyền PBGDPL. Công tác chỉ đạo, điều hành về công tác PBGDPL đã đi vào nề nếp, bài bản, các cấp ủy, chính quyền ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng công tác PBGDPL.

Việc tuyên truyền, PBGDPL được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, với mô hình, cách thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến tích cực từ ý thức
Các vị khách mời và diễn giả tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức.

Về phương thức thực hiện, bà Vũ Thị Thanh Tú nhấn mạnh, trong hoạt động PBGDPL phải lấy người dân là trung tâm. Do vậy khi tham mưu cho Thành phố trong công tác PBGDPL, phòng PBGDPL luôn lựa chọn những vấn đề nóng, thời sự mà người dân trên địa bàn quan tâm, đồng thời tìm ra cách thức tuyên truyền cho phù hợp, nhằm thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Từ đó lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong đó có thể kể đến như trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hoạt động PBGDPL lồng ghép với quy định về phòng chống dịch; năm nay, hoạt động PBGDPL lựa chọn chủ đề “An toàn trên môi trường mạng”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số ngành, tổ chức, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL; Tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý Nhà nước về PBGDPL cấp huyện và cấp xã còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu quản lý, triển khai công tác PBGDPL. Một số Hội đồng PBGDPL cấp huyện chưa có sự phân công rõ trách nhiệm, phụ trách, theo dõi các đơn vị, địa bàn dẫn đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng cấp huyện trong thời gian qua còn hạn chế.

Phát biểu tham luận, bà Đặng Thị Tâm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Hàng Đào chia sẻ, việc tuyên truyền, PBGDPL của Uỷ ban nhân dân (UBND) phường tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn phường. Theo đó, phường đã tổ chức một số hoạt động như hội nghị tuyên truyền pháp luật với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn phường; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ và sinh hoạt tổ dân phố…

Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến tích cực từ ý thức
Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

“Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý sẽ giúp các đối tượng nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn phương pháp xử sự các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, hướng dẫn công dân, tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật”, bà Tâm cho biết.

Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền từ cơ sở

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm để triển khai Luật PBGDPL một cách hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt và phù hợp với các mô hình, cách làm hay và sáng tạo.

Đánh giá về tính khả thi, phù hợp với một số mô hình mới, ví dự như mô hình “Cầu thang pháp luật”, bà Vũ Thị Thanh Tú chia sẻ, việc thực hiện một số mô hình mới trong công tác PBGDPL như mô hình “Cầu thang pháp luật”, được Hội đồng PBGDPL xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện từ 2019 về các lĩnh vực liên quan đến người dân quan tâm như quy tắc ứng xử nơi công cộng, chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, ứng xử trên môi trường mạng, phòng, chống dịch bệnh Covid-19…. đã được triển khai tuyên truyền tại một số tòa nhà chung cư, màn hình Led nơi công cộng với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.

Ý kiến từ cơ sở, bà Trần Minh Hồng, Phó trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho hay, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, việc xây dựng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia PBGDPL là vô cùng quan trọng. Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thông tin, UBND quận đã chỉ đạo kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-BTP với 45 báo cáo viên pháp luật và 533 tuyên truyền viên pháp luật, đồng thời, hàng năm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này.

Là địa bàn đặc thù với dân số dân đông, tập trung nhiều dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, khách sạn và du lịch, công tác PBGDPL trên địa bàn quận đã được quan tâm triển khai đến mọi đối tượng với việc lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp, chú trọng tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu. Quận cũng đẩy mạnh tuyên truyền trực quan bằng công nghệ, thực hiện qua các màn hình Led ngay tại các tuyến phố đi bộ, phố lớn để đông đảo bà con nhân dân tiếp cận mà lại không tốn kém.

Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến tích cực từ ý thức
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Hà Nội) phát biểu tại Toạ đàm.

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đổi mới thường xuyên theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải phù hợp với từng đối tượng và bối cảnh.

Lấy ví dụ cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã chuyển sang tuyên truyền qua zoom hoặc google meeting. Nếu người được tuyên truyền là học sinh thì sẽ qua zoom hoặc google meeting bởi học sinh đã được học qua zoom nên tuyên truyền qua nền tảng này rất tốt. Một ngày, có thể thực hiện tuyên truyền đến 2.000 - 4.000 học sinh.

“Thời gian dịch Covid-19, chúng tôi tuyên truyền trực tiếp chỉ 5.000 - 7.000 nhưng qua môi trường zoom thì lên tới 30.000 - 40.000 lượt người. Cách thức tuyên truyền cho học sinh cấp 1 và cấp 2, cấp 3 khác nhau và lựa chọn chuyên đề khác nhau để phù hợp với từng lứa tuổi. Năm 2022 trong bối cảnh khác, các luật sư thực hiện tuyên truyền về Luật Đất đai, đường Vành đai 4, bạo lực học đường cho học sinh Thành phố. Công tác tuyên truyền PBGDPL luôn luôn đẩy mạnh và năm sau cao hơn năm trước”, ông Nguyễn Văn Hà nói.

Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến tích cực từ ý thức
Ông Nguyễn Văn Hà phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Đối với huyện Ba Vì, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện thông tin, với đặc thù của huyện có các đối tượng là người dân miền núi, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng Kế hoạch, thực hiện “Đề án tuyên truyền PBPL cho người nông thôn và đồng bảo dân tộc thiểu số” từ năm 2013 - 2016 trên địa bàn huyện; Kế hoạch về việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào 7 xã dân tộc miền núi năm 2020. Nhằm phổ biến là chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, Thành phố và huyện liên quan đến đồng bảo dân tộc thiếu số, đặc biệt là những chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách đoàn kết dân tộc và xây dựng nông thôn như: Chương trình 134, 135 của Chính phủ; Quyết định số 18/QĐ-TTg.

Các hình thức tuyên truyền được thay đổi từ trực tiếp sang gián tiếp, từ hội nghị trực tiếp sang hội nghị trực tuyến, phát tờ gấp, tài liệu, tuyên truyền thông qua băng rôn khẩu hiệu, qua hệ thống đài phát thanh cơ sở, tuyên truyền bằng các xe lưu động, các loa kéo, qua các bản tin…

Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến tích cực từ ý thức
Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì nêu những sáng tạo trong công tác PBGDPL ở một huyện xa của Hà Nội.

“Một trong những điểm đặc biệt trên địa bàn huyện là PBGDPL đến đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là dân tộc Dao với khoảng 28 ngàn người. Với sự chênh lệch về nhận thức và khác biệt về ngôn ngữ, huyện đã có những phương thức PBGDPL phù hợp.

Theo đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền như: Xây dựng các video clip, thành lập các trang fanpage tuyên truyền và cập nhập quy định của pháp luật, chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội và của UBND huyện Ba Vì. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn hoà giải viên là người có uy tín, gần gũi với bà con dân tộc thiểu số; răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở. Từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo trật tự an ninh xã hội”, ông Sơn cho biết.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, Thành phố Hà Nội luôn xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo, quán triệt sâu sắc đến các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Hằng năm, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố đều tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hưởng ứng "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật; tư vấn hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức mít tinh, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến).

Từ năm 2013 đến tháng 6/2022, thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 82.207 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với trên 13.125.091 lượt người dự. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ thành phố đến cơ sở được thực hiện bằng nhiều hình thức.

Với vai trò tuyên truyền, 10 năm qua, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế & Đô thị bằng nhiều phương thức đã thể hiện báo là kênh tuyên truyền Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, được các cơ quan chức năng, bạn đọc đánh giá cao. Do vậy, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ngày 9/11, Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật) cùng báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống, nhằm đóng góp các giải pháp để đưa Luật tiếp tục đi vào cuộc sống.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này