Để doanh nghiệp nhỏ và vừa không “lạc lối” khi chuyển đổi số

15:30 | 09/11/2022
(LĐTĐ) Các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Kinh tế số Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế Thúc đẩy văn hoá đọc từ chuyển đổi số Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để báo chí phát triển

Tại Diễn đàn “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số” được tổ chức sáng 9/11, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhờ có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, thế giới đã và đang trải qua một sự chuyển đổi lớn sâu rộng và toàn diện trong đời sống kinh tế, xã hội, đó là chuyển đổi số. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia.

Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo. Ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh.

Với chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, hiện nay, Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp nhỏ và vừa không “lạc lối” khi chuyển đổi số
Trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa bên lề Diễn đàn (Ảnh: Hạnh Lê)

Với thị trường nội địa gần 100 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao với 70% dân số sử dụng Internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước.

Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Tuy nhiên, việc nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số nhanh chóng đang diễn ra phụ thuộc vào việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Và đây cũng là nhiệm vụ đầy thách thức cho cả Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Về chuyển đổi số doanh nghiệp, hiện nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo báo cáo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), chỉ có 11% doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% doanh nghiệp còn lại lạc lối trong quá trình chuyển đổi số. Bốn lý do chính đó là: nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi.

Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp trong quá trình chuyển đổi số vẫn là các vấn đề về: nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với chuyển đổi số, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.

Trong quá trình đó, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.

Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công.

Theo VCCI, thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công, hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này