Rộng mở cơ hội lao động Việt sang châu Âu làm việc

07:40 | 08/11/2022
(LĐTĐ) Cùng với nhu cầu gia tăng do thiếu hụt lao động sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia châu Âu cũng đánh giá cao năng lực làm việc và khả năng hòa nhập của lực lượng lao động trẻ Việt Nam. Những yếu tố này giúp cho cánh cửa sang châu Âu làm việc đang rộng mở với lao động Việt Nam.
Thị trường lao động Việt Nam trước thách thức lãi suất cao kéo dài Định vị lại chiến lược xuất khẩu lao động Xuất khẩu lao động cán đích sớm chỉ tiêu

Nhiều quốc gia châu Âu thiếu hụt lao động

Thị trường lao động việc làm ở châu Âu đang chịu ảnh hưởng của làn sóng "nhảy việc" do đại dịch Covid-19. Nhiều lao động bản địa chọn cách nghỉ hưu sớm, số khác thì không muốn làm việc nặng, lương thấp hoặc chế độ theo họ là không tương xứng. Thêm vào đó, số lượng lao động nhập cư giảm mạnh do các lệnh phong tỏa trong 2 năm đại dịch hoành hành.

Những lý do này khiến nhiều nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, từ lao động phổ thông cho đến lao động tay nghề cao, gây trở ngại cho nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Rộng mở cơ hội lao động Việt sang châu Âu làm việc
Sang Đức làm điều dưỡng viên là một trong cơ hội hấp dẫn cho lao động Việt Nam. Ảnh minh họa

Điển hình như tại Phần Lan. Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đưa lao động Việt Nam sang Phần Lan làm việc, ông Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam cho biết, trước thách thức già hóa dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, Phần Lan rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. “Chúng tôi đánh giá cao nguồn lực lao động trẻ, năng động của Việt Nam rất phù hợp với yêu cầu của Phần Lan" - ông Keijo Norvanto khẳng định.

Ở thị trường Đức, vừa qua ông René Herrmann - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vivantes (Đức) cũng đã có buổi làm việc với Bộ LĐTBXH Việt Nam để tuyển chọn, đào tạo và đưa điều dưỡng Việt sang Đức làm việc. Đây là đơn vị hợp tác tích cực với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đưa gần 1.000 điều dưỡng Việt đang học tập và làm việc tại Đức.

Sang Đức sau khi được đào tạo và thi đạt chứng chỉ nghề quốc gia Đức, điều dưỡng Việt được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe với mức lương 3.000 Euro/tháng (khoảng 75 triệu đồng). Hiện có gần 600 điều dưỡng Việt đã được ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Đức. Theo ông René Herrmann, Đức không chỉ thiếu lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn đang thiếu nhân lực nhiều ngành nghề khác. Nhu cầu lao động tăng do nền kinh tế Đức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực số hóa và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới.

Hungary cũng là quốc gia châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài làm việc, trong đó ưu tiên lao động Việt Nam. Nhằm thúc đầy việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary làm việc, vừa qua, ông Juhas Csongor - Tổng Giám đốc Công ty Prohuman (Hungary) cũng đã có buổi làm việc với Bộ LĐTBXH Việt Nam.

Trong buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, đến nay, đã có 16 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép thực hiện tổ chức việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hungary. Tổng số lao động được đăng ký trên 2.500 người, trong đó các doanh nghiệp đã tổ chức đưa được hơn 1.080 người đi làm việc tại Hungary trong các ngành nghề nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng,… Hầu hết, người lao động Việt Nam làm việc tại Hungary đều có thu nhập tốt và được đảm bảo các chế độ phúc lợi xã hội tại nước bạn.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định, trong thời gian tới hai nước còn rất nhiều tiềm năng trong hợp tác về lao động, cần phải đẩy mạnh hơn nữa nhằm khai thác tối đa tiềm năng, xứng tầm với nhu cầu và lợi ích của cả hai bên. Còn ông Juhas Csongor thì cho hay, Hungary đang trong giai đoạn già hóa dân số và có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

“Hiện nay, Hungary đồng ý cấp nhanh visa lao động nước ngoài cho 9 quốc gia khác nhau và Việt Nam là nước đứng đầu trong danh sách đó. Qua đó, có thể thấy rõ sự ưu tiên của Chính phủ Hungary dành cho lao động nước ngoài đến từ Việt Nam” - ông Juhas Csongor thông tin.

Theo ông Juhas Csongor, để có được sự ưu tiên đó, là do những người lao động Việt Nam rất chăm học hỏi, hòa nhã, và có tính kỉ luật. Trong năm 2020 có khoảng hơn 2.000 lao động Việt Nam đến Hungary làm việc, và ông Juhas Csongor mong muốn trong năm 2022 này con số này có thể vượt gấp đôi chỉ tiêu của năm 2020.

Thị trường tiềm năng

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, so với thị trường châu Á truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… thì thị trường châu Âu hiện đang được coi là điểm đến lý tưởng cho lao động Việt Nam. Tại đây, môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng, đãi ngộ hấp dẫn. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng từ nguồn thị trường lao động này đều sẵn sàng chi trả mức thù lao cao để tuyển dụng được các lao động giỏi tay nghề. Với những lao động Việt Nam đang muốn tìm kiếm hướng đi mới cho tương lai, thay đổi điều kiện làm việc và sinh sống tốt hơn, gia tăng đáng kể thu nhập thì châu Âu là lựa chọn hàng đầu.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH), hiện Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp với một số nước khu vực châu Âu như: Đức, Romania, Cộng hòa Czech, Bulgaria… Tùy theo nhu cầu của từng nước, bản MOU sẽ khác nhau dựa trên luật pháp và thỏa thuận. Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày càng có nhiều nước châu Âu tìm đến Việt Nam để thúc đẩy hợp tác về lao động, điều này mang lại những cơ hội phát triển sự nghiệp cho người lao động Việt Nam.

Nhằm bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro cho người ra nước ngoài làm việc, việc lựa chọn những công ty môi giới và phái cử lao động uy tín là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lao động trước khi xuất cảnh cũng được Dolab giám sát chặt chẽ để người lao động không bị phân biệt đối xử, tránh thiệt thòi.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện Việt Nam đang hợp tác rất hiệu quả với Đức trong việc đào tạo y tá và điều dưỡng viên. Các cơ sở thụ hưởng lao động của Đức cung cấp nguồn lực để phía Việt Nam tuyển chọn, đào tạo trước khi xuất cảnh. Nếu áp dụng mô hình này vào các ngành nghề của nhiều nước khác thì sự hợp tác sẽ bền vững, cả người lao động và bên thụ hưởng lao động sẽ có mối quan hệ bền lâu, cùng nhau phát triển.

Về xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới, đơn vị này cho biết sẽ hướng đến những thị trường chất lượng, thu nhập cao, trọng tâm là các nước phát triển ở châu Âu. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên, nâng dần tỉ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi nước ngoài lao động phải được đào tạo bài bản. /.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này