Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Kinh tế tăng trưởng tốt thì sẽ cải cách tiền lương

19:14 | 04/11/2022
(LĐTĐ) Chiều 4/11, tiếp tục phiên chất vấn, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Vấn đề tăng lương cơ sở, lộ trình cải cách chính sách tiền lương, tinh giản biên chế... nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương Đại biểu Quốc hội lo ngại “lương luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Kinh tế tăng trưởng tốt thì sẽ cải cách tiền lương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) cho biết, một trong những mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn vừa qua việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức”, đại biểu chất vấn.

Đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) đề cập việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian vừa qua chưa đồng bộ do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trách nhiệm và bao giờ khắc phục được hạn chế này để cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27?

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) cho hay, hiện nay có một nghịch lý, đó là Chính phủ đã xây dựng lương tối thiểu theo vùng, thấp nhất là 3.250.000 đồng. Trong khi đó, đội ngũ viên chức làm công tác ở trong các đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì lương của họ theo mức lương cơ bản chưa được 3 triệu, còn thấp hơn lương tối thiểu vùng. Đại biểu chất vấn đâu là giải pháp để giữ chân những người này và để tuyển mới, bởi vì thực chất lương thấp cũng là nguyên nhân không tuyển được những nhân viên ở các khu vực này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Kinh tế tăng trưởng tốt thì sẽ cải cách tiền lương
Các đại biểu nghe trả lời chất vấn. (ảnh: Quốc hội)

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tiền lương tối thiểu vùng hiện nay, đối vùng 1 là 4.680.000 đồng, vùng 2 là 4.160.000 đồng, vùng 3 là 4.640.000 đồng và vùng 4 là 3.250.000 đồng. Lương nhân viên và kể cả phụ cấp công vụ 25% thì chỉ có 3.464.000 đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng, đúng như đại biểu đã phản ánh.

“Về giải pháp, họp Quốc hội lần này chúng ta đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tăng lên 20,8%. Sau khi thực hiện điều chỉnh lương này, nếu điều kiện đất nước của chúng ta, điều kiện kinh tế năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt thì sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì sẽ đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng, sẽ thuận lợi cho tất cả các đối tượng một cách rất công bằng, hài hòa và hợp lý”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Trả lời câu hỏi về tinh giản biên chế vừa qua đã tác động đối với cải cách tiền lương như thế nào, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, suốt thời gian vừa qua sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giảm tổ chức hành chính, giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với mục tiêu cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Có thể nói việc này đã tác động rất lớn, chúng ta có điều kiện để nâng lương cho đội ngũ. Chỉ tính từ năm 2019 cho đến nay, đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng. Đây là nguồn để đưa vào làm lương. Cho nên mối quan hệ giữa việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ để tạo ra được nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương”, lời Bộ trưởng.

Tới đây, tiếp tục phải thực hiện việc này để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ gọn hơn, đầu mối của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là một sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, một sự nỗ lực vượt bậc, bởi vì chưa bao giờ sắp xếp tổ chức, bộ máy và giảm biên chế được như vậy, với việc giảm được 10,01% biên chế công chức, giảm được 11,67% biên chế viên chức, góp phần rất quan trọng vào việc tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Kinh tế tăng trưởng tốt thì sẽ cải cách tiền lương
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: Quốc hội)

Báo cáo các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Ngay từ cuối năm 2018, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Đồng thời, xây dựng dự thảo Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới để triển khai thực hiện từ năm 2021 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tại Hội nghị 13 khóa XII (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này