Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều chính sách mới

21:13 | 01/11/2022
(LĐTĐ) Ngày 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trình bày tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Kiên quyết xử lý các vi phạm quy hoạch xây dựng Thiết lập công cụ kiểm soát, khơi thông nguồn lực đất đai Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng các "dự án treo" có xu hướng tăng

Đa dạng các hình thức bồi thường

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dự Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, với 11 chính sách cơ bản.

Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều chính sách mới
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: Quốc hội)

Cụ thể gồm: Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai; Hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội; Về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất; Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường; Quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích; Về chuyển đổi số và cải cách hành chính; Về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

“Trong quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.

Đáng chú ý, Dự án Luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.

Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.

Dự án Luật cũng cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ, trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng).

Mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có đất bị thu hồi; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi để đảm bảo khách quan, minh bạch; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư...

Không bị tác động bởi lợi ích nhóm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai. Theo cơ quan thẩm tra, đây là Dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng.

Trong đó, rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều chính sách mới
Các đại biểu nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Quốc hội)

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất, bảo đảm thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế bồi thường linh hoạt trên cơ sở nhu cầu của người có đất thu hồi, tương ứng với quyền, lợi ích của họ được hưởng khi bị thu hồi đất và địa phương, tổ chức có liên quan có khả năng đáp ứng.

Về giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”. Quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra; đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể; cách xác định cụ thể “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; quy định rõ về việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong Dự Luật.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, mục đích sửa Luật là khắc phục được các vướng mắc trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, kế thừa trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc nhưng có tính chất vi phạm. Không đưa vào Luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể; không bị tác động bởi lợi ích nhóm; thực hiện phòng, chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này ở tổ ngày 3/11 và tại hội trường ngày 14/11.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này