Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự

19:25 | 26/10/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 26/10, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Làm rõ tính bắt buộc trong huy động lực lượng, phương tiện khi có thảm hoạ, sự cố Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm hoạ, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Các quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân và cần phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm nguyên tắc hiến định. Việc xây dựng Luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. (Ảnh: Quốc hội)

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được thiết kế gồm 7 chương, 71 điều, gồm các nội dung cơ bản về: Hoạt động phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự;…

Dự thảo Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn...

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân…

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, nhiều nội dung liên quan đến các luật chuyên ngành. Do đó, cần phân định được phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật khác; xây dựng Luật theo hướng quy định những chính sách, nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự, rà soát hệ thống pháp luật để bổ sung những quy định còn thiếu liên quan đến phòng thủ dân sự để triển khai phù hợp trên thực tế.

Về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, hồ sơ được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu; thể chế hóa các chính sách tại Nghị quyết số 22/NQ-TW. Tuy nhiên, đề nghị cần báo cáo rõ thêm về căn cứ thực tiễn, khoa học để hoàn thiện quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự và Quỹ phòng thủ dân sự.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát, quy định hoàn chỉnh các khái niệm, làm rõ hơn tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm và tính chất đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; rà soát, làm rõ cơ sở để xây dựng các nội dung về cấp độ phòng thủ dân sự;

Đồng thời, quy định rõ hơn về lực lượng phòng thủ dân sự và luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định, tránh giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nội dung; quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức cá nhân phải bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện được vai trò chủ động phòng, chống các thảm họa, sự cố và sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội…

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này