Vì sự tiến bộ của nữ công nhân viên chức lao động

08:30 | 18/10/2022
(LĐTĐ) Nhân dịp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức biểu dương 60 nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công Thủ đô tiêu biểu giai đoạn 2017-2022, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội đã dành cho phóng viên báo Lao động Thủ đô cuộc phỏng vấn về việc triển khai công tác Nữ công và vai trò của đội ngũ nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công đối với hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa thăm, trao hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu chống dịch Quan tâm thiết thực để đoàn viên yên tâm xây dựng hạnh phúc gia đình Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐTP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa thăm, tặng quà con công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, công tác Nữ công và phong trào nữ CNVCLĐ được các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai như thế nào?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Nhận thức rõ vai trò, vị trí công tác nữ công ở cơ sở và xác định công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn mỗi cấp, LĐLĐ Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn phải thường xuyên rà soát, thành lập, kiện toàn Ban Nữ công quần chúng. Đến nay, có 5.615/5.832 Công đoàn cơ sở đủ điều kiện đã thành lập Ban Nữ công quần chúng (chiếm 96,3%).

Vì sự tiến bộ của nữ công nhân viên chức lao động
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Căn cứ vào định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện cơ chế chính sách và môi trường hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ Thủ đô; nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới… Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động đối với phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công trong tình hình mới.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô đặc biệt quan tâm và triển khai hiệu quả công tác chăm lo cho lao động nữ. LĐLĐ Thành phố đã duy trì việc phối hợp tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, phát thuốc miễn phí, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp và chế xuất. Một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức khám sức khỏe, phám phụ khoa miễn phí cho nữ đoàn viên, người lao động.

Trong những năm qua, đã có trên 207.000 lượt nữ đoàn viên, người lao động được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”, hỗ trợ có hoàn cảnh, hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19. Các cấp Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn tổ chức gặp mặt, tặng quà, biểu dương, khen thưởng, trao học học bổng cho trên 520.000 lượt con đoàn viên, người lao động đạt thành tích cao trong học tập, vượt khó học giỏi.

Nhân các ngày của giới như ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)… các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, người lao động, như tổ chức mittinh, gặp mặt cán bộ nữ, sinh hoạt truyền thống, tuyên truyền giáo dục về giới, nghe nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hội thi, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao; tổ chức tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô và đất nước...

Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã và đang thực hiện tốt công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua việc chủ trì hoặc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ tại các doanh nghiệp.

Đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ nữ công ở cơ sở đã tham gia thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho lao động nữ, như: Lao động nữ trong thời gian mang thai được nghỉ khám thai hưởng nguyên lương, được xếp vị trí làm có ghế, nghỉ thêm 1 ngày/tháng hưởng nguyên lương… Lao động nữ sau sinh được doanh nghiệp ứng trước tiền lương của 6 tháng nghỉ thai sản, được hỗ trợ tiền từ 500 nghìn đồng đến 2 tháng tiền lương tối thiểu…

Các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ như phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu” được các cấp Công đoàn triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo nữ đoàn viên, người lao động tham gia. Hằng năm, luôn có trên 80% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thông qua các phong trào đó đã động viên nữ CNVCLĐ hăng say làm việc, phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động sản xuất và chăm lo, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Phóng viên: Để các phong trào đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của nữ cán bộ Công đoàn tại công đoàn cơ sở, các cơ quan, đơn vị?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ Thủ đô nói chung, công tác Nữ công nói riêng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Góp phần vào kết quả chung đó có vai trò không nhỏ của đội ngũ nữ cán bộ Công đoàn và cán bộ Nữ công các cấp.

Các đồng chí đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; thường xuyên nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia xây dựng, hoàn thiện việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp với nhiều điều khoản có lợi cho lao động nữ.

Các đồng chí cũng đã trở thành người bạn thân thiết của lao động nữ, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng để kịp thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; triển khai hiệu quả các hoạt động nhân ngày của giới và các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ. Nhiều đồng chí đã có những sáng kiến trong đổi mới và đa dạng hóa công tác truyền thông về giới, bình đẳng giới, dân số, sức khỏe sinh sản, gia đình, trẻ em; về chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ.

Có thể khẳng định, với sự đóng góp tích cực của đội ngũ nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công các cấp, công tác nữ công và phong trào nữ CNVCLĐ của Thủ đô ngày càng phát triển và đã có tác động mạnh mẽ trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ CNVCLĐ.

Phóng viên: Với việc LĐLĐ thành phố Hà Nội biểu dương 60 nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công Thủ đô tiêu biểu giai đoạn 2017-2022 có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của các ban nữ công nói riêng, nữ đoàn viên, CNVCLĐ nói chung, thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa: Để ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nữ cán bộ Công đoàn, năm 2019, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 70 năm Ngày thành lập Ban Cán sự Phụ nữ Lao động (tiền thân của Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày nay), LĐLĐ Thành phố đã tổ chức biểu dương 90 cán bộ Nữ công Thủ đô tiêu biểu.

Năm nay, LĐLĐ Thành phố tiếp tục tổ chức biểu dương 60 nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công Thủ đô tiêu biểu giai đoạn 2017-2022, nhằm tôn vinh, khen thưởng những đồng chí đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động nữ CNVCLĐ, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác gia đình, trẻ em…

Thông qua hoạt động này, nhằm động viên nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công phát huy tài năng, trí tuệ của mình để thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, tổ chức Công đoàn, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác vận động nữ CNVCLĐ. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Công đoàn Thủ đô; đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Mai Quý (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này