Hà Nội giành giải Nhì toàn đoàn tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc

16:53 | 15/10/2022
(LĐTĐ) Ban tổ chức Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 đã quyết định trao thưởng cho 150 thiết bị của các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cá nhân; 6 đoàn đạt giải tập thể, trong đó thành phố Hồ Chí Minh đạt giải Nhất toàn đoàn, thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đạt giải Nhì toàn đoàn.
Hà Nội giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc Gặp mặt Đoàn Hà Nội tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022

Cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo

Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi (từ ngày 10 - 14/10), Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức đã khép lại thành công. Lễ bế mạc Hội thi vừa được tổ chức chiều ngày 14/10 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội thi năm nay có sự tham gia của 57 địa phương với tổng số thiết bị dự thi là 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong cả nước; tăng gần 10% số thiết bị so với Hội thi trước.

Tổng kết Hội thi, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Hội thi năm nay có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT.

Hà Nội giành giải Nhì toàn đoàn tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao thưởng cho các đoàn đạt giải tập thể, trong đó đoàn Hà Nội được nhận giải Nhì toàn đoàn.

“Điều này thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở GDNN và của các cơ quan quản lý. Thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo”- ông Đỗ Năng Khánh đánh giá.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các thiết bị đem đến Hội thi toàn quốc lần thứ VII thực sự trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học. Việc tổ chức dạy trên các mô hình, thiết bị dàn trải của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề...

Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các nhà giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở GDNN, điển hình như: “Mô hình Đào tạo internet vạn vật (IoT) của nhóm tác giả Bùi Văn Công đến từ trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội…

Đáng chú ý, nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng "tích hợp" các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một "thiết bị" hay "mô hình” đã này làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị. Các nhà giáo đã sáng tạo không chỉ trong việc sản xuất thiết bị, mà cả trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy trên những phương tiện dạy học có tính linh hoạt cao. Điển hình là thiết bị Mô hình thực tập hệ thống chiếu sáng, tín hiệu trên ô tô có hỗ trợ chấm điểm số tự động của nhóm tác giả Nguyễn Chí Công đến từ Trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội.

Hà Nội giành giải Nhì toàn đoàn tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc
Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cá nhân được đón nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Kết quả Hội thi đã lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân, gồm: 30 thiết bị đạt giải Nhất; 45 thiết bị đạt giải Nhì; 75 thiết bị đạt giải Ba.

Về giải toàn đoàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn 6 đoàn đạt giải tập thể, gồm: 1 giải Nhất cho đoàn thành phố Hồ Chí Minh, 2 giải Nhì cho đoàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và 3 giải Ba cho đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Tiền Giang.

Đoàn Hà Nội được đánh giá cao

Tham gia Hội thi với số lượng thiết bị nhiều nhất, cùng sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và tinh thần quyết tâm cao, có thể khẳng định, kết quả mà đoàn Hà Nội gặt hái được tại Hội thi là rất xuất sắc.

Đáng chú ý, trong 30 tác giả và nhóm tác giả đoạt giải Nhất tại hội thi, Hà Nội có nhiều mô hình thiết bị đào tạo tự làm được đánh giá rất cao. Đó là thiết bị đào tạo điều hòa tự động trên ô tô của nhóm tác giả trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội; hay mô hình đào tạo internet vạn vật (IoT) của nhóm tác giả trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội; mô hình thực hành bàn ăn Á - Âu thông minh của nhóm tác giả Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long.

Hà Nội giành giải Nhì toàn đoàn tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc
Một trong các mô hình thiết bị đào tạo tự làm của đoàn Hà Nội được đánh giá cao tại Hội thi.

Cùng với đó, trong số 45 tác giả và nhóm tác giả đoạt giải Nhì tại hội thi, có nhiều mô hình của đoàn thành phố Hà Nội được đánh giá cao về tính ứng dụng trong giáo dục nghề nghiệp, bao gồm mô hình an toàn hệ thống mạng và mô hình hệ thống điều khiển phun dầu điện tử CRDI của nhóm tác giả Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội; bàn thực hành điện - khí nén đa năng có hỗ trợ điều khiển và tạo pan từ xa của nhóm tác giả Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội; mô hình hệ thống đào tạo điện năng lượng gió - năng lượng mặt trời của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội; mô hình thực hành lắp cáp mạng thông tin của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm thiết bị tự làm của Hà Nội đoạt giải Ba, gồm mô hình thực hành dây chuyền sản xuất linh hoạt ứng dụng công nghệ IoT của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; bộ thực hành biến đổi điện năng của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội; mô hình hệ thống điều khiển và giám sát sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội;

Thiết bị đào tạo robot 4 bậc tự do của Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội; mô hình Trạm tay gấp 3 trục phân loại sản phẩm theo màu sắc ứng dụng công nghệ IoT phục vụ dạy học của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội; ứng dụng thư viện 3D phục vụ đào tạo thực hành thi công nội thất gỗ công nghiệp trên máy công nghệ cao của Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội; mô hình máy in 3D trong thiết kế đồ họa và chế tạo mẫu của Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này