Nỗ lực hiện thực hóa “giấc mơ” an cư

13:13 | 13/10/2022
(LĐTĐ) Với chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian qua tổ chức Công đoàn nói chung, Công đoàn Thủ đô nói riêng, bên cạnh việc tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước đề ra các thiết chế xây nhà ở cho công nhân; Công đoàn còn thành lập Quỹ Mái ấm Công đoàn để giúp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở. Nỗ lực thực hiện thực hóa “giấc mơ” an cư đang được các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Giúp người lao động hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi Chính thức triển khai gói tín dụng ưu đãi 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân

Từ sống “tạm” trong những căn phòng trọ chật hẹp...

16 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) cũng là bằng ấy thời gian vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyền (công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam) đi ở trọ. Chị Tuyền cho biết, vợ chồng chị quê ở Quảng Ninh, để thuận tiện cho công việc, cả gia đình vợ chồng con cái 4 người sống chung trong căn phòng trọ chưa đến 20m2. Với mức thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, căn phòng này “tiện nghi” và thuộc “phân khúc cao” so với nhiều phòng trọ khác ở thôn Bầu.

Nỗ lực hiện thực hóa “giấc mơ” an cư
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyền sống trong căn phòng trọ chừng 20m2.

Gia đình chị kê chiếc giường rộng 1,8m2 ở giữa phòng làm nơi nghỉ ngơi. Không gian còn lại đủ kê chiếc bàn cho 2 con học và khu bếp, vệ sinh… Nguồn sáng hiếm hoi của căn phòng là ô cửa sổ nhỏ đối diện giường ngủ. Nhiều năm làm công nhân, chị Tuyền quen với cảnh “đầu tắt mặt tối” trong nhà máy, khi làm ngày, khi tăng ca đêm. Cứ vậy, tổng tiền lương mà vợ chồng chị Tuyền nhận về khoảng 13-15 triệu đồng/tháng. Chị Tuyền tâm sự, số tiền này ở quê có thể không nhỏ nhưng để tích lũy với mức sống Hà Nội thì chẳng thấm vào đâu.

“Với điều kiện hiện nay thì chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi không gặp nhiều khó khăn. Mặt khác công nhân chúng tôi cũng được hỗ trợ nhiều từ công ty hay tổ chức Công đoàn, nhất là khi ốm, đau. Có năm do dịch Covid-19 không về quê ăn Tết được, Công đoàn còn đến tận phòng trọ của để hỗ trợ. Tuy nhiên, khi các con càng lớn lên, tôi khao khát có một căn nhà nhỏ để ở”, chị Tuyền nói.

Mua được nhà ở cũng là nguyện vọng và là niềm trăn trở của anh Phạm Văn Khánh (công nhân tại Khu công nghiệp Sài Đồng). Chia sẻ về lý do muốn mua nhà ở thành phố, ông bố 2 con này bày tỏ, mặc dù ở Hà Nội chi phí đắt đỏ hơn song điều kiện học tập, y tế vẫn thuận tiện hơn so với quê ở Bắc Kạn. Anh Khánh cũng đã nhiều lần tìm hiểu về các dự án nhà ở giá rẻ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được.

Theo anh Khánh, công nhân ngoại tỉnh nếu mua được đất xây nhà đếm trên đầu ngón tay, hoặc nếu có cũng được gia đình 2 bên nội, ngoại hỗ trợ mới đủ vốn. Anh Khánh tâm sự, cuộc sống của vợ chồng công nhân nhiều lúc rơi vào khó khăn, nguyên nhân chính cũng bởi vì thiếu tiền và không có chỗ ở ổn định. “Với mức thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/tháng, tiền dành dụm của tôi được không nhiều. Trong khi còn phải lo rất nhiều thứ như ăn học của con, nuôi bố mẹ già ở quê, vật giá đắt đỏ từng ngày. Giá mua được nhà ở đây với giá hợp lý thì tốt, giấc mơ an cư lạc nghiệp với chúng tôi sẽ không còn xa vời”, anh Khánh chia sẻ.

Mong muốn của chị Tuyền, anh Khánh cũng là mong muốn chung của đa số công nhân ở các khu công nghiệp. Đó là được thuê nhà ở hoặc mua nhà có sự hỗ trợ của Nhà nước, có nhiều trường công lập, có trường mầm non gần các khu công nghiệp để công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm ổn định cuộc sống và làm việc. Thế nhưng thực tế, tại Hà Nội hiện nay mới có các khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do đó, sau mỗi buổi tan ca, hàng chục nghìn công nhân lại trở về những khu nhà trọ tạm bợ, lợp bằng mái tôn do người dân trong làng dựng lên cho thuê với mức giá tầm 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng.

... Đến góp phần giảm áp lực nhà ở cho người lao động

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế Xuất Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là gần 165.000 người, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm hơn 60%). Thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam từ 5 triệu đến trên 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đinh Quốc Toản cho hay, nhà ở cho công nhân lao động là vấn đề nóng và đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Hà Nội đang có khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long được đưa vào sử dụng từ 15 năm trước, đây là dự án nhà ở tập trung dành cho công nhân sớm trong cả nước, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở. Thế nhưng, số chỗ ở này quá nhỏ so với nhu cầu của công nhân.

“Nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, tổ chức Công đoàn đã thực hiện các chương trình như hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng “Mái ấm Công đoàn” để đoàn viên, công nhân, người lao động có cơ hội xây mới, sửa chữa nhà cửa tránh mưa nắng, dột nát. Hằng năm, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế Xuất Hà Nội thường trao từ 3-5 “Mái ấm Công đoàn”. Với những công nhân lao động đủ điều kiện đề xuất nhận hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn”, chúng tôi hỗ trợ hết mình để họ được tiếp cận nguồn kinh phí mong phần nào giảm áp lực nhà ở cho người lao động”, ông Đinh Quốc Toản nói.

Nỗ lực hiện thực hóa “giấc mơ” an cư
Một dãy nhà cho công nhân thuê trọ ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh)

Trên địa bàn Hà Nội, các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân cũng đang được tích cực triển khai trong thời gian qua. Tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó nêu rõ, nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp, nhằm bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân; yêu cầu phát triển nhà ở công nhân cần gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, của ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức Công đoàn.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới 1.250.000m2 sàn nhà ở xã hội; xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động. Thành phố xác định vai trò của người dân trong việc phát triển nhà trọ, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển nhà trọ, nâng cao chất lượng chỗ ở, giúp người lao động yên tâm sản xuất.

Không chỉ vậy, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Tổng LĐLĐViệt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5 - 10 khu nhà ở cho công nhân thuê, tạo ra 500.000 - 1.000.000m2 sàn, đáp ứng cho 50.000 - 100.000 công nhân được thuê nhà ở.

Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017. Nội dung của Đề án nêu rõ, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng tối thiểu một thiết chế của Công đoàn, gồm một tổ hợp công trình được xây dựng đồng bộ trên diện tích từ 3 ha đến 5 ha, gồm nhà ở (căn hộ), nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao, văn phòng tư vấn pháp luật gắn với vườn hoa, cây xanh. Một thiết chế của Công đoàn như trên sẽ có khoảng 1.000 căn hộ có diện tích từ 30 m2/căn đến 60 m2/căn, đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho khoảng 3.500 đoàn viên là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có khó khăn về nhà ở. Với những giải pháp đồng bộ, hy vọng ước mơ có nhà ở giá thấp cho công nhân sẽ không còn xa./.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này