Tham gia BHXH - Điểm tựa an sinh vững chắc khi về già

Bài 1: Gieo yêu thương, gặt trái ngọt

21:53 | 29/09/2022
(LĐTĐ) Để vận động, phát triển được người dân ở những địa phương khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện không đơn giản. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình vận động, nhiều đại lý thu tại các địa phương đã trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui”, đưa chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước tới gần hơn với người dân.
Nỗ lực vì mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân Thủ đô Từ hôm nay (1/8), người dân Thủ đô được hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện Quận Long Biên hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo: Bước đột phá về an sinh

Nhờ những “cánh tay nối dài” là các đại lý thu BHXH đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân nhận thức được tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nên thời gian qua, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đã về với người dân vùng khó khăn của nhiều địa phương tỉnh Quảng Bình, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Mải miết đi gieo... yêu thương

Vốn quen với nắng gắt, mưa chiều miền Trung nên bao năm nay, bà Bùi Thị Loan (xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chẳng quản ngại sớm hôm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng địa chỉ” để vận động người dân địa phương tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ở nơi nào có người lao động tự do chưa tham gia BHXH, BHYT, bà đều có mặt để kịp thời vận động.

Bài 1: Gieo yêu thương, gặt trái ngọt
Bước sang tuổi 62, bà Loan đã có “thâm niên” 10 năm làm đại lý thu BHXH. Ảnh: Ngọc Lan.

Bước sang tuổi 62, bà Loan đã có “thâm niên” 10 năm làm đại lý thu BHXH, trong đó có 8 năm liền bà đạt và vượt chỉ tiêu vận động người tham gia, được các cấp khen thưởng. Trách nhiệm và luôn có cách làm sáng tạo, bà Loan đã khéo léo truyền tải những quy định pháp luật về BHYT, BHXH tự nguyện đến các hộ dân trên địa bàn. Hỏi đến bí quyết, bà Loan chỉ cười hiền, đúc kết rất đơn giản: Phải luôn kiên trì, linh hoạt, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát, chọn lọc đối tượng tiềm năng để vận động.

Có dịp theo chân bà Loan tới vận động người dân trên địa bàn, mới thấy bà rất am hiểu chính sách. Bà chia sẻ: “Chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước rất ưu việt, mang lại lợi ích lớn cho nông dân và lao động khu vực phi chính thức, bởi bất kỳ người dân nào tham gia cũng được Nhà nước hỗ trợ, từ 10-30% tùy hoàn cảnh kinh tế. Do đó, sau khi được cơ quan BHXH huyện Lệ Thủy tập huấn, tôi đã đến từng nhà vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu và yên tâm tham gia, cũng như hiểu rõ quyền lợi được hưởng. Đối tượng tôi hướng đến là những người trẻ, có hiểu biết, có thu nhập ổn định, vận động họ tham gia để sau này được nhận lương hưu khi về già, tự lo cho cuộc sống của mình, giảm gánh nặng cho con cháu.”

Để có thể giải thích cặn kẽ cho người dân, hàng ngày, bà Loan dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Bình về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. “Lúc đầu, có thể người dân chưa quan tâm lắm, vì cứ nghĩ loại hình bảo hiểm này cũng như các kiểu bảo hiểm nhân thọ khác. Nhưng khi nghe đây là chính sách an sinh có sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia để về già hưởng lương hưu như những người đi làm có đóng BHXH, người dân rất quan tâm và số lượng tham gia ngày càng tăng.”, bà Loan cho biết.

Tuy luôn mong muốn mang điều tốt đẹp đến với mọi người, nhưng không ít lần, bà Loan bị người dân hiểu lầm, phản ứng tiêu cực, thậm chí có lần đang tuyên truyền ở hội trường, bà bị tố là lừa đảo. “Lúc đó, tại hội nghị, tôi không nói gì, nhưng ngay sau buổi đó, tôi tìm đến tận nhà để giải thích. Gia đình chị đó là hộ nghèo, tôi phân tích nếu tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm 30% mức đóng, nên cố gắng tiết kiệm tham gia để sau này đỡ khổ. Điều đáng mừng là sau đó, không những chị ấy tham gia mà còn vận động thêm em gái tham gia. Hay như có trường hợp 2 vợ chồng cũng phản đối tôi là lừa đảo, nhưng khi không may trong gia đình có người thân bị ốm đau, nằm viện dài ngày mới thấy hết giá trị của tấm thẻ BHYT, nên sau đó vui vẻ tự nguyện tham gia”, bà Loan nhớ lại.

Bài 1: Gieo yêu thương, gặt trái ngọt
Bà Loan (thứ nhất từ trái qua) tới tuyên truyền, vận động chị em ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Ngọc Lan.

Theo bà Loan, tùy từng đối tượng mà bà có cách tư vấn khác nhau, tuy nhiên, với gia đình càng nghèo, bà càng cố gắng vận động vì tương lai sẽ không ai lo cho mình bằng chính mình tự tích lũy lúc còn khỏe. Với những người khó khăn, bà Loan vận động chị em nuôi heo đất, mỗi ngày bỏ vào đó 10.000 đồng, chờ đến kỳ đóng cũng có một khoản kha khá.

Năm 2022, khi chính sách BHXH tự nguyện có thay đổi về mức đóng (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021 do áp dụng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn mới, từ 700 nghìn đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng); đồng thời trước những tác động tiêu cực từ Covid-19 khiến nhiều người có ý định xin bảo lưu, ngừng đóng, trong đó có người đã tham gia được hơn 3 năm. Để “giữ chân” người dân “ở lại” với hệ thống an sinh, bà Loan đã không ngần ngại ứng tiền cá nhân ra đóng trước để quá trình tham gia của họ không bị gián đoạn, cho họ nợ đến khi có tiền sẽ gửi lại.

Nhờ sự chân thành, không vụ lợi, luôn đặt quyền lợi của người tham gia lên trên hết, nên người dân ở xã Hoa Thủy đều rất tin tưởng, yêu quý và nghe theo bà Loan, cùng bà tiếp tục đi "gieo yêu thương", lan tỏa chính sách nhân văn đến những người thân, quen.

Ngọt ngào những trái an sinh

Nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, sáng tạo, đến nay, bà Loan đang quản lý thu hơn 400 người tham gia BHXH tự nguyện và hơn 1.800 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Trong số này có thể kể đến gia đình chị Hồ Thị Mai (thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Chia sẻ với phóng viên Lao động Thủ đô, chị Mai cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Tôi đi làm thuê, công việc không ổn định, thu nhập chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng; trong khi đó chồng tôi mất sớm, hai con còn nhỏ, đang tuổi ăn học. Được bà Loan vận động, lại biết Nhà nước sẽ hỗ trợ cho tôi 30% mức đóng nên tôi cũng cố gắng tằn tiện, cân đối tài chính để tham gia. Chính vì cuộc sống khó khăn, nên tôi cố gắng tích lũy tham gia BHXH tự nguyện để sau này có tiền lương hưu, có thể tự lo cho bản thân, không phải nhờ đến con cái. Mình khổ rồi, nên không muốn con cũng phải khổ theo”.

Bài 1: Gieo yêu thương, gặt trái ngọt
Chị Hồ Thị Mai (thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - phải ảnh - cho biết: Chính vì cuộc sống khó khăn, nên tôi cố gắng tích lũy tham gia BHXH tự nguyện để sau này có tiền lương hưu, có thể tự lo cho bản thân. Ảnh: Ngọc Lan.

Cũng với suy nghĩ như chị Mai, chị Nguyễn Thị Duân (thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy) quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2016. Chị chia sẻ: “Tuổi già có lương hưu sẽ bớt khổ, không phải phụ thuộc vào con cháu, nên khi biết đến chính sách, tôi đăng ký tham gia ngay. Thấy rõ lợi ích thiết thực, tôi đã vận động thêm chị gái, em gái, cháu gái tham gia. Chồng tôi cũng chuẩn bị tham gia…”.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết, Hoa Thủy là một trong những địa phương khó khăn huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Người dân sinh sống ở vùng bán sơn địa, làm nông nghiệp là chính, thu nhập bấp bênh. Từ khi triển khai chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại địa phương, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định đây là giải pháp quan trọng giúp người dân có điểm tựa an sinh vững chắc khi về già, hoặc khi không may bị ốm đau, bệnh tật…

Bền bỉ triển khai, và cũng nhờ những đại lý thu nhiệt tình, trách nhiệm và luôn có cách làm sáng tạo như bà Loan, đến nay, Hoa Thủy có hơn 400 người dân tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động trong độ tuổi (gấp hơn 4 lần mức trung bình chung của cả nước), hơn 2.000 người dân tham gia BHYT hộ gia đình, nâng số người tham gia BHYT đạt hơn 91% dân số.

Bài 2: Cần thêm “cú hích” để thúc đẩy an sinh xã hội

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này