Thắt chặt thị trường trái phiếu vì nền tài chính lành mạnh

09:52 | 15/09/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xảy ra rất nhiều vấn đề mà trong đó, nhiều nhà đầu tư chưa thu hồi được tài sản. Chính các vấn đề này dẫn đến động thái thắt chặt của cơ quan quản lý, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên lụy.
Triển vọng phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá bấp bênh Nhà đầu tư và nhà phát hành đang cẩn trọng chờ đợi các chính sách mới về trái phiếu

Nút thắt lớn...

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường TPDN tiếp tục nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới. Cụ thể: Trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ các công ty cổ phần với tổng 1.800 tỷ đồng.

Thắt chặt thị trường trái phiếu vì nền tài chính lành mạnh
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Suốt 4 tháng qua, hoạt động phát hành TPDN rơi vào khoảng trống đột ngột. Sau sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý - đặc biệt việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN được cho là nguyên nhân dẫn đến sự trầm lắng này.

Cùng với đó, trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng, thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.

Trao đổi tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam cho biết, các chuyên gia đã trao đổi rất nhiều đến vấn đề liên quan đến pháp lý, nhưng để cấu thành nên thị trường tài chính không thể không nhắc đến vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia. Thời gian vừa qua, thị trường xảy ra rất nhiều vấn đề mà trong đó nhiều nhà đầu tư chưa thu hồi được tài sản. Chính các vấn đề này dẫn đến động thái thắt chặt của cơ quan quản lý, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên lụy. Thống kê cho thấy tháng 7-8 vừa qua, khối lượng phát hành giảm, chỉ vào khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng, đây là nút thắt rất lớn

“Thị trường TPDN của chúng ta còn non trẻ, chưa thực sự phát triển, theo đó, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây là một "bữa tiệc" để lợi dụng vốn nhà đầu tư”, ông Đặng Trần Phục nêu quan điểm. Cũng chính bởi có những doanh nghiệp như vậy nên nhiều doanh nghiệp phát hành chân chính cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Đặng Trần Phục, để xử lý được vấn đề này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần sử dụng vốn hiệu quả hơn, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn. Nên thành lập bộ phận quản trị tài chính, có nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản. Doanh nghiệp cần có bộ phận quan hệ nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo.

Không phải là "cuộc chơi"

Đối với nhà đầu tư, không nên coi kênh trái phiếu là một cuộc chơi, “nghe đồn” có lãi là mua vào chờ thời cơ, mà cần nhìn nhận trái phiếu cũng là một kênh đầu tư để phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua trái phiếu, nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành và đầu tư một cách chuyên nghiệp chứ không mua như “đánh đề”.

Dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, theo quan sát, các nhà đầu tư cá nhân đa số không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu. Thứ nhất, họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Thứ hai là lãi suất trái phiếu cao hơn ngân hàng thì họ mua, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì, hay các vấn đề liên quan ra sao.

Khi xảy ra sự việc, các nhà phát hành vướng vào vòng lao lý, nhà đầu tư chỉ mong muốn lấy lại tiền khi mua trái phiếu, đặc biệt trái phiếu đến hạn. Họ hoàn toàn mong muốn nhà phát hành có thể xử lý các vấn đề như bán tài sản để lấy tiền trả cho người mua trái phiếu. Tuy nhiên trong cơ chế hiện nay vẫn còn khó khăn vướng mắc cần có các định chế cho vấn đề này. Các nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền.

Ông Đặng Đình Hiệp, nhà đầu tư đã gắn bó với thị trường chứng khoán trong hơn 20 năm cho biết, trong quá trình tiếp xúc, ông nhận thấy một số nhà đầu tư là các hiệu trưởng trường mầm non, nhân viên công ty du lịch. “Họ hỏi tôi có nên mua trái phiếu với lãi suất 12% không. Tôi khuyến cáo: Đừng nghĩ về mức 12% mà hãy quan tâm doanh nghiệp đó tốt hay xấu", ông Hiệp chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến rủi ro và tham gia thị trường trái phiếu khá hững hờ. Nếu hệ thống pháp luật Việt Nam chặt chẽ hơn thì thị trường sẽ bớt rủi ro hơn.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, từ lâu Mỹ đã có quy định tách ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Song tại Việt Nam hiện nay nhiều ngân hàng đang thực hiện chức năng môi giới đầu tư và có lợi nhuận rất lớn. Điều này không có pháp luật nào cấm, nhưng có một thực tế là những doanh nghiệp nào càng rủi ro càng cần đơn vị đứng ra bảo lãnh. “Chúng ta chưa có những quy định tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nên cần có những quy định pháp luật rõ ràng về vấn đề này”, ông đề xuất và nhấn mạnh thêm: “Tôi không nói là cần siết quá chặt lại nhưng cần có những quy định rõ ràng, thế giới đã tách bạch rồi Việt Nam cũng nên học hỏi”.

Chính trong bối cảnh ngột ngạt room tín dụng, dòng vốn đầu tư công không phát huy được vai trò và giá trị dẫn kết, nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp tăng cao, thì cầu nối thị trường TPDN lại phát sinh khoảng trống đột ngột kéo dài. Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn, trong đó có trọng tâm thị trường TPDN với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025.

Vừa qua, ngân hàng Nhà nước đã nới room cho các ngân hàng, nhưng đứng trước sức ép của lạm phát nên nới room vẫn còn dè dặt. Chính vì vậy nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển. Thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này