Nâng hiệu quả trợ giúp doanh nghiệp

11:31 | 11/09/2022
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thể hiện sức mạnh, hiệu quả điều hành, phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn một tỉnh, thành phố. Vì vậy, việc cải thiện, nâng cao PCI qua từng năm từ lâu đã trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Với thành phố Hà Nội, việc nâng cao PCI là mục đích phấn đấu thường xuyên trong chặng đua thúc đẩy tăng trưởng.
Doanh nghiệp xăng dầu mong đợi gì từ các chính sách hỗ trợ? Nhà đầu tư và nhà phát hành đang cẩn trọng chờ đợi các chính sách mới về trái phiếu Mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam
Nâng hiệu quả trợ giúp doanh nghiệp
Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Chưa tương xứng với tiềm năng

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã quyết tâm, tập trung cải thiện toàn diện PCI, cũng như các chỉ số thành phần để tạo dựng hình ảnh mới của Thủ đô, với năng lực cạnh tranh cao hơn, đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp và dòng vốn đầu tư. Năm 2021, Hà Nội đứng thứ 10 bảng xếp hạng PCI cả nước, với tổng số 68,6 điểm, hơn mức 66,93 điểm của năm 2020. Đây cũng là năm thứ tư Hà Nội liên tiếp đứng trong tốp 10, “thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt”, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, PCI của Hà Nội tăng đều qua nhiều năm là thực tế đáng trân trọng, bởi đạt được bằng sự nỗ lực rất lớn và trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với các địa phương khác. Doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô được hưởng lợi đáng kể từ những thay đổi, nhất là một số chỉ số quan trọng, như "Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp", "Đào tạo lao động" hay "Chi phí thời gian"...

Tuy nhiên, nếu đánh giá từ những chỉ số thành phần, một số chỉ số dù có thăng hạng nhưng vẫn ở vị trí thấp. Đó là, chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” xếp thứ 44/63, tăng 17 bậc; chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” xếp thứ 50/63, tăng 6 bậc; chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” xếp thứ 48/63, tăng 6 bậc; chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” xếp thứ 51/63, tăng 1 bậc; chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” xếp thứ 29/63, tăng 15 bậc.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Hà Nội dù đứng thứ 10/63 tỉnh, thành nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, năng lực cạnh tranh, sự tín nhiệm của Hà Nội cần phải nâng cao hơn nữa để có thể bước vào tốp 5 trong vài năm tới. Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển nhanh, bền vững của doanh nghiệp.

Tiếp tục chủ động cải thiện PCI

Trước thực tế và yêu cầu nâng cao chỉ số PCI, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 22-8-2022 về việc nâng cao chỉ số PCI năm 2022. Điều này cho thấy mục đích "gạn đục khơi trong", cầu thị cũng như tinh thần đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền, các cơ quan chức năng thành phố. Theo đó, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 14/CTr-UBND ngày 19-1-2021 của UBND thành phố, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chỉ số PCI. Tập trung quyết liệt khắc phục các chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể và các chỉ số xếp hạng rất thấp, như “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” (xếp thứ 57/63, giảm 23 bậc).

Về nhiệm vụ cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, làm đầu mối tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử; xây dựng chương trình, đề án chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Văn phòng UBND thành phố, các sở, ngành, địa phương công khai, minh bạch thông tin trên trang thông tin điện tử, cập nhật và hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu. Các biểu mẫu hướng dẫn phải dễ thực hiện và thường xuyên được cập nhật…

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân kiến nghị, Hà Nội cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn, vì điều kiện vay vốn hiện vẫn là trở ngại đối với doanh nghiệp; phối hợp cùng các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy việc kết nối, bảo lãnh cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ đầu tư, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính lớn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, người nhiều năm theo dõi, chỉ đạo hoạt động liên quan đến PCI, việc Hà Nội quyết tâm cải thiện PCI thể hiện rõ nhận thức và hành động một cách chủ động, cầu thị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, thiết thực. Song cần lưu ý, Hà Nội là địa bàn lớn nên khối lượng công việc nhiều hơn các địa phương khác.

Việc nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng PCI không chỉ phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn, mà còn góp phần cải thiện nhanh và căn bản chất lượng cuộc sống, xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh.

Hồng Sơn/Hanoimoi.com.vn

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1041754/nang-hieu-qua-tro-giup-doanh-nghiep

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này