Tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động

08:16 | 01/09/2022
(LĐTĐ) Với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đại diện của công nhân và người lao động, Công đoàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò trong việc đồng hành cùng đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Đồng thời, Công đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng để xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập Phát huy sức mạnh nội tại của tổ chức Công đoàn Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong đổi mới giáo dục và đào tạo

Tạo động lực để công nhân lao động hăng hái thi đua

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi”, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Qua đó đã góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm từ nghề nghiệp, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động
Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và Ban Thường vụ các Quận, Huyện ủy: Ba Đình, Tây Hồ, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ứng Hòa và Đảng ủy Khối các Cơ quan thành phố Hà Nội, Đảng ủy Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp công tác, giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Mai Quý

Nhiều tấm gương “Công nhân giỏi” hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi đã được tôn vinh xứng đáng. Đây là những công nhân trực tiếp lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố; là những tấm gương tiêu biểu, cần cù trong lao động, có nhiều sáng kiến sáng tạo, góp phần cùng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Riêng năm 2022, toàn Thành phố có trên 56.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 1.655 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở; trong đó khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 35% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3, 4, 5 đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 chiếm trên 35%. Một số công nhân lao động đạt các giải cao tại Hội thi tay nghề toàn quốc, ngành và địa phương.

Thông qua các hình thức tôn vinh “Công nhân giỏi” có thành tích xuất sắc ở các cấp Công đoàn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Sức sáng tạo của công nhân ngày càng phát huy và được cộng đồng các doanh nghiệp biểu dương, ghi nhận.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô” đã trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn, khẳng định được sức ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp và công nhân lao động mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng.

Sáng tạo, hiệu quả trong triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến”

Song song với việc triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô”, thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (Chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực hưởng ứng, triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Qua đó, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước.

Các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã đăng ký phấn đấu đóng góp ít nhất 130.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn. Nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã hướng dẫn, đôn đốc các cấp Công đoàn đẩy mạnh thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến”; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng đăng ký sáng kiến tham gia trên phần mềm trực tuyến; gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các cá nhân là cán bộ Công đoàn được phân công trong triển khai, thực hiện chương trình.

Tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao khen thưởng cho “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2022. Ảnh: Mai Quý

LĐLĐ Thành phố cũng đã thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến” nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các cấp Công đoàn và CNVCLĐ đăng ký cập nhật các ý tưởng, sáng kiến tham gia trên phần mềm trực tuyến của chương trình; thành lập nhóm Zalo để thông tin, đôn đốc, hướng dẫn, cập nhật, thống kê số lượng sáng kiến của các Công đoàn cấp trên cơ sở; thiết kế video, hình ảnh thao tác để hướng dẫn cách đăng nhập và nộp sáng kiến tham gia chương trình dễ hiểu, đơn giản.

Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố đã phát động “Chiến dịch thi đua cao điểm 35 ngày hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1 Chương trình “1 triệu sáng kiến”. Thông qua đó đã tạo động lực cho các cấp Công đoàn tuyên truyền, vận động, khích lệ đoàn viên tham gia thi đua nước rút để hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kết thúc giai đoạn 1 Chương trình “1 triệu sáng kiến”, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng người đăng ký tham gia, tỷ lệ sáng kiến tham gia chương trình đạt 108% chỉ tiêu đăng ký, vượt 200% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Nội dung các sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ thuật, phòng, chống Covid-19… Trong đó, đã có rất nhiều sáng kiến thể hiện được sự sáng tạo của người lao động trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị.

“Sự nhạy bén, quyết tâm của LĐLĐ thành phố Hà Nội trong việc triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã gặt hái được thành công, đồng thời tạo ra lực hút cùng thi đua của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam”, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 Chương trình “1 triệu sáng kiến” của LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng để phát huy vai trò của Công đoàn

Trong bối cảnh tổ chức Công đoàn đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức đan xen, đòi hỏi các cấp Công đoàn phải nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, thực chất cả về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02). Ngay sau đó, Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 35-KH/TU, ngày 28/7/2021, về việc thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị (Kế hoạch số 35).

Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị khẳng định tổ chức Công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước. Đồng thời, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị cũng đặt ra các nhiệm vụ: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; không để khoảng trống, khoảng trắng trong phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hướng hoạt động của tổ chức Công đoàn vào thực hiện nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn;…

Tổ chức Công đoàn đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động
Công nhân lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Công đoàn phát động. Ảnh: Mai Quý

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Thành ủy Hà Nội, Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp công tác, giai đoạn 2022-2025 với Ban Thường vụ 30 Quận, Huyện, Thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Nội dung Quy chế nêu rõ, các bên phối hợp trong công tác tổ chức, cán bộ; công tác tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, làm cơ sở phát triển đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp; công tác quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam; công tác tổ chức các phong trào thi đua thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao phúc lợi đoàn viên, người lao động.

Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với nội dung Quy chế phối hợp, đồng chí Đinh Trường Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Đống Đa cho rằng: “Đây là những nội dung quan trọng và cần thiết nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Công đoàn các cấp trong tình hình mới. Qua việc thực hiện Quy chế phối hợp, Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và Ban Thường vụ Quận ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và Thủ đô Hà Nội”.

Là địa phương đang có sự phát triển, đô thị hóa nhanh, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, hiện trên địa bàn huyện có nhiều cụm công nghiệp, số lượng công nhân, viên chức, lao động lớn. Đặc biệt, huyện Thanh Oai đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện thành quận xanh, sinh thái, văn minh, kết nối theo hướng thương mại, dịch vụ kết hợp với công nghiệp để phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhận định: “Việc ký kết Quy chế phối hợp công tác là tiền đề quan trọng để Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố và Ban Thường vụ các Quận, Huyện, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công đoàn ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội”.

Đánh giá về việc ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và Ban Thường vụ các Quận, Huyện, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải ghi nhận, LĐLĐ thành phố Hà Nội đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, không chỉ ở những hoạt động thiết thực, hiệu quả mà chính là tầm ảnh hưởng của các chủ trương, giải pháp mới, khả thi để giải quyết các vấn đề cốt lõi của tổ chức và hoạt động Công đoàn. Quy chế phối hợp công tác này là giải pháp cơ bản trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; đã bao quát các vấn đề cốt yếu, cho phép hình thành một mặt trận sâu rộng, chủ động trợ lực cho tổ chức Công đoàn trong tình hình mới./.

Phát biểu tại Lễ tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2022, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là thời cơ cũng đồng thời là thách thức, đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của công nhân lao động. Từ đó đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của tổ chức Công đoàn, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo công nhân lao động Thủ đô.

Để phong trào thi “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” hiệu quả cao hơn, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” trong tình hình mới; tập trung tổ chức tốt các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, hướng phong trào thi đua vào khắc phục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô quyết tâm thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, với năng suất, chất lượng hiệu quả cao nhất trên các lĩnh vực lao động sản xuất; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và đất nước.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này