Để đường phố ngày càng thông thoáng

07:51 | 25/08/2022
(LĐTĐ) Những chuyển biến sau khi tổ chức lại giao thông tại một số “điểm nóng” ùn tắc đã phần nào phát huy hiệu quả, song để đi vào nề nếp, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm, tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Thí điểm phân làn trên trục đường Nguyễn Trãi: Cần làm triệt để, linh hoạt Hà Nội triển khai phục vụ vận tải hành khách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh

Nhiều “điểm nóng” đã giảm nhiệt

Giao thông vận tải với phương châm “đi trước mở đường” luôn là yêu cầu cấp thiết của các đô thị. Với Thủ đô Hà Nội cũng vậy. Chỉ khi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện tăng trưởng nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, hiện hệ thống giao thông vận tải của Thành phố vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Dễ thấy nhất là tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục đường hướng tâm như Nguyễn Trãi, Tố Hữu…

Để đường phố ngày càng thông thoáng
Nút giao Ngã Tư Sở thông thoáng. Ảnh: Giang Nam

Tại những cung đường này, khi bước vào khung giờ cao điểm có thể dễ dàng bắt gặp cảnh từng dòng xe ken cứng, nhích từng mét nối đuôi nhau chen lấn. Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, bên cạnh các giải pháp mang tính dài hạn như thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng cầu vượt nhẹ… thì xén vỉa hè để mở rộng đường và điều chỉnh nút giao, đèn tín hiệu ở các “điểm nóng” là giải pháp hữu hiệu, ngắn hạn nhưng đem lại hiệu quả tức nhanh.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thí điểm tổ chức lại giao thông tại một số nút giao thông có lưu lượng phương tiện giao thông cao. Cụ thể, một số nút giao có lượng phương tiện lưu thông lớn được điều chỉnh lần này bao gồm: Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân và quận Đống Đa); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân); nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông)… tất cả đều là những “điểm nóng” ùn tắc giao thông.

Đáng chú ý, theo ghi nhận của Lao động Thủ đô tại những nút giao này, bước đầu các biện pháp tổ chức giao thông đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông. Chẳng hạn, ghi nhận tại khu vực Ngã Tư Sở trong những ngày qua cho thấy, hiện tượng ùn tắc giao thông đã giảm hẳn, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu như xảy ra mưa lớn thì tình trạng ùn tắc cũng không bị kéo dài. Ông Phạm Quốc Hùng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) chia sẻ, việc điều tiết lại giao thông trong khu vực đã có những tác dụng nhất định, giúp việc lưu thông được thông thuận, ít ách tắc hơn.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tại khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở do chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trên tuyến Vành đai 2 được tăng lên cùng việc nắn dòng phương tiện hợp lý đã góp phần điều tiết, giảm thời gian chờ đèn của người tham gia giao thông từ 3, 4 chu kỳ xuống còn 1, 2 chu kỳ. Cùng đó, các điểm quay đầu trên đường Trường Chinh và đường Láng cũng đáp ứng được nhu cầu cho các phương tiện... việc kết hợp đồng bộ các giải pháp đã giúp dòng phương tiện lưu thoát nhanh hơn, hạn chế được ách tắc.

Tương tự, tại các khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân) tình hình giao thông tại khu vực nút giao và các tuyến đường lân cận đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là trên đường Trần Duy Hưng (hướng từ hầm Trung Hòa về trung tâm Thành phố) đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn ứ kéo dài; hiện tượng xung đột giao thông cũng được tiết giảm đáng kể.

Một “điểm nóng” khác là trục Tố Hữu-Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông), để giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức phân luồng, cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh. Tại đây, các phương tiện trên đường Tố Hữu sẽ di chuyển thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách cách nút giao hơn 100m cho các phương tiện là xe máy và điểm cách nút giao 300m cho các phương tiện là ô tô quay đầu hướng Tố Hữu đi Vạn Phúc.

Đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ việc tổ chức lại giao thông, tại các tuyến đường, nút giao nêu trên còn có hiện trạng đáng buồn là ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn hạn chế. Lấy ví dụ từ trục Ngã Tư Sở, hiện điểm này vẫn còn tình trạng xe máy đi ngược chiều tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Tại đây, khi có bóng dáng của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, người điều khiển xe máy gần như không vi phạm, nhưng chỉ cần các lực lượng “lơi lỏng”, tình trạng đi ngược chiều lại lại tái diễn.

Tương tự, tại các khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân) hiện tượng người tham gia giao thông thiếu ý thức, chưa tuân thủ sự hướng dẫn của đơn vị chức năng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông gây ra tình trạng dừng chờ rẽ trái trên đường Trần Duy Hưng; đi ngược chiều trên đường Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Thập… vẫn còn tái diễn.

Với việc tổ chức phân làn và đặc biệt nếu người tham gia giao thông có ý thức chấp hành luật lệ thì việc ùn tắc sẽ phần nào được giải quyết. Một khi ùn tắc được giải quyết, người lao động đi làm được đúng giờ, năng suất lao động chắc chắn sẽ cao hơn. Chúng ta không mất một “khoản tiền” tương đối lớn “rải” xuống đường do vấn nạn ách tắc giao thông.

Hay lộn xộn nhất là việc “tách” ô tô và xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Tại trục giao thông này, Hà Nội đang tổ chức thí điểm phân làn trên hơn 1,5km đường, kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân. Ở cả hai chiều đường đều được bố trí lực lượng chức năng hướng dẫn phân làn; nhiều đoạn được lắp dải phân cách cứng với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều người dân ý thức tham gia giao thông vẫn chưa cao; các phương tiện chưa có cách thức lưu thông phù hợp, nên vào một số thời điểm giao thông khá lộn xộn, thậm chí xảy ra va chạm giữa các phương tiện.

Theo ghi nhận trên trục đường, tại các điểm đầu cuối dải phân cách đều có biển báo phân làn bắt buộc, nhưng hầu như vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, không ít người vẫn tham gia giao thông theo kiểu tiện làn nào đi làn đó, vẫn lấn làn, cắt mặt, đi ngược chiều, thậm chí tỏ ra khó chịu khi có dải phân cách cứng. Không ít xe máy vẫn ngang nhiên đi ngược chiều gây rối loạn giao thông. Nghiêm trọng hơn, dù trục đường đã bố trí nhiều cầu vượt dân sinh song không ít người đi bộ vẫn “hồn nhiên” không sử dụng, thay vào đó họ băng qua làn phương tiện, khiến giao thông ùn ứ.

Quanh câu chuyện này, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội chia sẻ, ùn tắc giao thông là nỗi bức xúc của người dân Thủ đô suốt nhiều năm nay. Việc phân luồng giao thông, tách riêng các phương tiện nằm trong đề án giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội. Đề án đã có từ lâu, đến nay việc thực hiện và triển khai hoạt động này cũng là sự cố gắng lớn của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, để giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, theo chuyên gia Bùi Danh Liên đây không chỉ riêng trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Nói cách khác, để làm và giải quyết “bài toán” này cần toàn xã hội vào cuộc, đặc biệt bản thân mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, sự điều tiết của các cơ quan chức năng./.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này