Trước thềm năm học mới 2022-2023:

Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp "lấp đủ" giáo viên các cấp học

18:26 | 18/08/2022
(LĐTĐ) Chỉ vài ngày tới, học sinh toàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - trừ bậc mầm non, sẽ được tựu trường, bắt đầu một năm học mới. Tuy nhiên, Thành phố vẫn đang thiếu một lượng lớn giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Điểm sàn nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe cơ bản giữ ổn định Tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19

Nhiều trường thiếu giáo viên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, năm học 2022-2023, dự kiến toàn Thành phố tăng 21.800 học sinh (gồm hơn 15.000 học sinh công lập). Trong đó, cấp mầm non tăng 6.587 học sinh, tiểu học giảm 11.184 học sinh, THCS tăng 13.661 học sinh, THPT tăng 12.761 học sinh.

Việc gia tăng số học sinh làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Đồng thời, nhu cầu về số lượng giáo viên, bảo mẫu theo đó cũng tăng cao.

Thời gian gần đây, hoàng loạt trường mầm non như: Kokoro, Trẻ sáng tạo, Ban Mai, Little-Vic Preschool... liên tục đăng tuyển giáo viên, bảo mẫu với nhiều phúc lợi hấp dẫn kèm theo mức lương từ 6-9 triệu đồng/tháng. Dù tiêu chí để tuyển giáo viên, bảo mẫu không cao, chỉ yêu cầu từng tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm mầm non và không cần có kinh nghiệm, nhưng các trường vẫn khó tuyển được người.

Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp
Trường Mầm non Ban Mai (thành phố Thủ Đức) thiếu giáo viên khi lượng trẻ nhập học tăng cao.

Đại diện một trường mầm non tại thành phố Thủ Đức cho biết, sau đại dịch Covid-19 nhiều giáo viên quyết định ở lại quê làm việc, một số thì chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Điều này khiến nhà trường lâm vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, trong khi lượng trẻ nhập học năm học 2022-2023 tăng 35% so với học kỳ trước.

"Thực tế giáo viên mầm non có thu nhập không cao so với các ngành nghề khác, nhưng áp lực công việc lại không hề nhỏ. Các giáo viên thường phải đứng lớp từ 15-20 trẻ và phải luôn dỗ dành và chăm sóc kỹ lưỡng cho các bé. Áp lực công việc lớn nhưng mức thu nhập lại không tương xứng nên nhiều giáo viên đã chuyển sang làm các công việc khác để có thu nhập tốt hơn", đại diện trường mầm non cho biết.

Bên cạnh đó, năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp 3, 7 và 10. Ở lớp 3, môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, môn Nghệ thuật (gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) là môn học tự chọn. Do đó, nhiều trường đang lo thiếu giáo viên và trang thiết bị để dạy theo chương trình mới.

Thầy Lê Thanh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Linh Trung (thành phố Thủ Đức) cho biết, hiện tại trường đang thiếu 11 giáo viên bộ môn. Riêng hai môn mỹ thuật và âm nhạc, trường không có giáo viên. Hiện tại, trường đang làm báo cáo gửi Sở GD&ĐT về việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên cho năm học mới và chờ chờ kết quả từ Sở.

"Để đối phó tạm thời với việc thiếu giáo viên, nhà trường sẽ tuyển giáo viên dạy hợp đồng. Riêng hai môn mỹ thuật và âm nhạc, vì không có giáo viên và học sinh cũng không đăng ký học nên nhà trường không tổ chức dạy những môn này", thầy Lê Thanh Hiếu cho biết.

Cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, thầy Võ Ngọc Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận) cho biết, trường cũng đang chờ Sở GD&ĐT tuyển dụng 5 giáo viên , chủ yếu là môn tin học, ngữ văn. Riêng các môn nghệ thuật, do không có giáo viên nên ngay từ đầu, nhà trường không đưa các môn học này vào chương trình dạy học. Tuy nhiên, theo thầy Sơn, đây chỉ là tình thế tạm thời trong năm nay, năm sau khi có đủ giáo viên sẽ tổ chức dạy.

Giải pháp cho năm học mới

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, trong nhiều năm qua, việc đào tạo giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc ở các trường đại học không kịp cung ứng nguồn giáo viên cho các trường phổ thông tại TP.HCM. Ngoài ra, mặt bằng chung thu nhập của giáo viên hiện nay chưa đủ khả năng giữ chân giáo viên, dẫn điến việc nhiều cử nhân tốt nghiệp sư phạm nhưng không đi dạy, qua đó gây ra tình trạng thiếu giáo viên.

Đơn cử như tại thành phố Thủ Đức, dù có nhu cầu tuyển dụng 22 giáo viên Âm nhạc, nhưng kết quả tuyển viên chức mới đây chỉ có 3 người trúng tuyển. Ở môn Mỹ thuật, toàn thành phố Thủ Đức cần tuyển 24 giáo viên, nhưng chỉ cũng chỉ có 3 người trúng tuyển. Thậm chí, tại quận Phú Nhuận, không một ứng viên đủ điều kiện xét tuyển vòng 2 đối với môn Mỹ thuật.

Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp
Nhiều trường tiểu học và THCS tại TP.HCM "khát" giáo viên các môn tự chọn.

Quận Bình Tân hiện cũng có nhu cầu tuyển 380 giáo viên, chủ yếu ở bậc tiểu học và THCS. Trong đó, số giáo viên thiếu đa phần là giáo viên dạy các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là ở một số môn đặc thù như tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho biết, để giải quyết việc vấn đề giáo viên giảng dạy trong năm học mới, trước mắt, quận sẽ sử dụng giáo viên hợp đồng với trường khác và thuê giáo viên về hưu. Theo ông Tuyên, việc này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên trong thời điểm hiện tại.

Một số quận huyện khác cũng đang thiếu giáo viên trầm trọng như: Tân Bình cần tuyển 10 giáo viên Âm nhạc và 11 giáo viên Mỹ thuật (tiểu học, THCS); quận 3 cần tuyển dụng 8 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật; quận 8 cần tuyển 12 giáo viên Âm nhạc, 14 giáo viên Muật (tiểu học) và 4 giáo viên Âm nhạc, 8 giáo viên Mỹ thuật (THCS)…

Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã phối hợp với 2 trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, kết hợp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thêm nguồn giáo viên. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải 2 năm nữa thì lứa sinh viên này mới ra trường, sau đó dần dần mới có thể ổn định nguồn tuyển giáo viên.

Tới đây, TP.HCM sẽ tổ chức 2 đợt tuyển dụng giáo viên đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng. Trong đó, đợt 1 đang tổ chức đến vòng 2, đợt 2 dự kiến tổ chức từ tháng 10/2022. Riêng các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng và tự chủ tài chính thì được tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu.

Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng nói chung và giáo viên môn mới (Âm nhạc và Mỹ thuật) nói riêng, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này