Còn nhiều đơn vị không đủ điều kiện phòng cháy

10:29 | 18/08/2022
(LĐTĐ) Liên tiếp những vụ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội, đã gióng lên hồi chuông báo động trong công tác phòng, chống cháy nổ. Để hạn chế tối đa cháy, nổ, bên cạnh việc trang bị tốt kỹ năng cho người dân, điều quan trọng mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị trong kết cấu công trình bắt buộc phải đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
Tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Hà Nội vận động nhà dân mở "lối thoát nạn thứ 2" để phòng cháy Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy trong học sinh

Đảm bảo tính chủ động

Đối với công tác chữa cháy, “thời điểm vàng” để thực hiện dập lửa là không quá 5 phút kể từ khi đám cháy xuất hiện. Vì vậy, việc huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ," trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm “lực lượng trong dân - phương tiện trong dân - hậu cần trong dân và chỉ huy ở trong dân” là rất quan trọng. Từ đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là cần nâng cao nhận thức cho lực lượng ở cơ sở.

Còn nhiều đơn vị không đủ điều kiện phòng cháy
Tại hội thao phòng cháy, những kỹ năng cơ bản và thiết thực nhất sẽ được truyền tải đến lực lượng dân phòng và cả người dân.

Tại quận Ba Đình, cả 217 tổ dân phố trên địa bàn đều thành lập Đội chữa cháy dân phòng. Mục đích của việc thành lập Đội là hướng tới tuyên truyền nhằm ngăn ngừa từ sớm, từ xa các nguyên nhân có thể gây cháy nổ trên địa bàn. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, những thành viên của Đội sẽ là các “chiến binh” - lực lượng nòng cốt trong dập lửa, cứu người tại mỗi khu dân cư. Trước khi lực lượng cứu hỏa chuyên trách tới, các thành viên trong Đội đều là dân cư địa phương, thông thuộc địa hình, sẽ vận dụng kiến thức để triển khai chữa cháy bước đầu cho nhanh và hiệu quả, từ việc cắt điện ở đâu, lấy nước như thế nào...

Không chỉ tập huấn định kỳ, để kiểm tra công tác luôn sẵn sàng, “4 tại chỗ”, mới đây lần lượt 14 phường trên địa bàn quận Ba Đình đã tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp cơ sở. Thông qua hội thao, những kỹ năng cơ bản và thiết thực nhất tiếp tục được truyền tải đến lực lượng dân phòng và cả người dân, những người phát hiện ra đám cháy sớm nhất, giúp họ có đủ kỹ năng để xử lý tốt các tình huống cháy, nổ không may xảy ra tại gia đình cũng như tại địa bàn dân cư đang sinh sống

“Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, phát huy tối đa phương châm “bốn tại chỗ”. Xử lý nhanh, hiệu quả các vụ sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường”, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Ngô Minh Hằng cho biết

Tại quận Hoàn Kiếm, vào ngày 16/8 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã phối hợp với UBND phường Trần Hưng Đạo, Trường THPT Việt Đức tổ chức Chương trình trải nghiệm “Tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” năm 2022 cho các em học sinh. Tại chương trình, các chiến sĩ đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn cứu hộ quận Hoàn Kiếm cùng đội mẫu hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm trong đám cháy bằng xe thang, dây hạ chậm, kỹ năng dập đám cháy ở khay xăng, phuy xăng, bình gas; tham quan tranh vẽ về nâng cao công tác phòng chống cháy nổ… các biện pháp phòng cháy tại nhà ở, trường học, và đặc biệt tham gia trò chơi chữa cháy cứu tài sản…

Có thể nói, sau những vụ hỏa hoạn xảy ra liên tiếp thời gian gần đây thì việc có những buổi thực hành là hết sức cần thiết. Tại buổi tuyên truyền, bên cạnh việc học tập lý thuyết, các em còn được thực hành các kĩ năng như là leo xe thang, và dập xăng như thế này. Đây là cơ hội rất tốt để thực hành bởi không phải lúc nào các em cũng có đầy đủ các trang thiết bị… Điều này sẽ giúp giảm các tai nạn không mong muốn.

Thông qua trải nghiệm thực tế phù hợp, tăng cường học đi đôi với hành, các em học sinh không chỉ được huấn luyện các kĩ năng cần thiết mà còn hiểu được những khó khăn, vất vả trong cứu nạn cứu hộ, từ đó nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ. Việc phòng cháy chữa cháy không chỉ là trách nhiệm của 1 cá nhân, 1 tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn dân đối với sự an toàn của xã hội.

Linh hoạt hơn trong triển khai

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, trong hơn 5 năm (từ năm 2016 - 5/2022), trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ. Có hàng chục vụ cháy lớn, làm 86 người chết, gây thiệt hại khoảng 960 tỷ đồng. Có trên 1.500 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc… không đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy. Chỉ có 212 cơ sở khắc phục được vi phạm phòng cháy chữa cháy, chiếm tỷ lệ 8,5%... Tính riêng, 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, làm 12 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày 1/8 vừa qua, xảy ra vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, sau khi giải cứu được 8 người dân, 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy vụ cháy khiến nhiều người thương vong, điển hình là vụ cháy ngày 21/4/2022 xảy ra tại nhà dân trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) làm 5 người chết và 2 người bị thương…

Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định phòng cháy chữa cháy của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình chưa cao. Qua khảo sát một số cơ sở kinh doanh hàng quán trên địa bàn, phần lớn các cơ sở đều là nhà ở chuyển đổi mục đích. Đường điện thiết kế ban đầu dành cho gia đình, nay phải chịu tải nhiều thiết bị tiêu hao điện năng lớn cùng lúc như điều hòa, bếp điện, bếp điện từ... khiến dễ dẫn đến nguy cơ quá tải gây chập cháy.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác phòng chống hỏa hoạn là thực trạng nhiều cơ quan chủ quản trên địa bàn còn thiếu trách nhiệm trong việc trang bị các kiến thức cơ bản về bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ cho đội ngũ nhân viên và người lao động.

Để tăng cường hơn nữa công tác chủ động phòng, chống cháy nổ trên địa bàn, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an Thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UBND Thành phố xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý về công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn.Trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý.

Đặc biệt, thành phố chỉ đạo các đơn vị vận động để 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2"; nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hy vọng thời gian tới tại Hà Nội sẽ bớt đi những vụ hỏa hoạn, không xảy ra những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này