Huyện Mê Linh: Khẳng định giá trị sản phẩm từ chương trình OCOP

19:49 | 11/08/2022
(LĐTĐ) Những năm qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai rộng rãi tới các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng với các quận, huyện khác, các sản phẩm nông nghiệp được phân hạng OCOP đã và đang mang lại thu nhập cao cho những người làm nông nghiệp tại huyện Mê Linh.
Huyện Mê Linh: Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng Đảng tại huyện Mê Linh

Sản phẩm chất lượng không lo đầu ra

Là một chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong đã và đang thành công với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Theo đó, anh Lâm bắt đầu trồng cây ăn quả hữu cơ từ đầu năm 2015 và thành lập Hợp tác xã vào cuối năm 2017. Ban đầu Hợp tác xã có 7 thành viên sáng lập với 5ha sản xuất cây ăn quả. Tới thời điểm hiện tại số thành viên tham gia Hợp tác xã là 30 thành viên với 30ha sản xuất, trong đó có 20 ha trồng trọt, 10ha phục vụ chăn nuôi.

Huyện Mê Linh: Khẳng định giá trị sản phẩm từ chương trình OCOP
Anh Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong chia sẻ về những hiệu quả sau khi tham gia chương trình OCOP.

Đối với 20ha trồng trọt, Hợp tác xã định hướng phát triển chủ yếu các loại cây ăn quả như: ổi lê Đài Loan; đu đủ; táo; bưởi diễn. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, anh Lâm luôn chú trọng đến chất lượng của sản phẩm. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, anh Lâm đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Việc tạo mã truy xuất nguồn gốc đã tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Thông qua mã truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của anh Lâm không thể không kể đến chương trình OCOP. Năm 2020, Hợp tác xã đã đưa 4 loại quả gồm: ổi, đu đủ, táo, bưởi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong số 4 sản phẩm tham gia phân hạng có 2 sản phẩm là ổi và đu đủ đạt 4 sao; sản phẩm táo, bưởi diễn đạt 3 sao. Sau khi tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm, Hợp tác xã đã khẳng định được giá trị của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Với các sản phẩm trồng trọt của Hợp tác xã hiện nay không lo về đầu ra. Thời điểm hiện tại trên thị trường đang có nhiều nơi giải cứu ổi với giá rẻ chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg nhưng sản phẩm ổi của Hợp tác xã vẫn đang xuất cho các hệ thống cửa hàng là 25 nghìn đồng/kg. Hợp tác xã cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội tạo điều kiện tham gia các hội chợ, hội thảo, qua đó, giúp Hợp tác xã tiếp cận với các đối tác liên kết đầu ra, nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cũng đã hỗ trợ HTX rất nhiều trong việc thiết kế logo, in bao bì nhãn mác sản phẩm”- anh Lâm cho hay.

Cũng giống như anh Lâm, ông Nguyễn Tiến Dũng (thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh) cũng có niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, ông Dũng đã nhận thuê khoán hàng ngàn mét vuông đất canh tác của người dân tại xã Đại Thịnh trước đó canh tác lúa không hiệu quả để xây dựng mô hình nông trại đa canh. Sau khi được UBND huyện Mê Linh phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Dũng tập trung phát triển nông trại tổng hợp với diện tích gần 129.000m2. Trong số này, ông dành khoảng 4.000m2 để phát triển mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao.

Hoa lan (chủ yếu là giống hồ điệp) được gieo trồng trong nhà màng, nhà lưới. Nhiệt độ vườn ươm được điều chỉnh phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây hoa ở từng giai đoạn. Hệ thống tưới tự động cũng được lắp đặt giúp tiết giảm tối đa lượng nhân công cần thiết. Mỗi năm vườn ươm cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại.

Mô hình hoa lan hồ điệp của gia đình ông Dũng đạt doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/ năm. Hướng tới mục xây dựng trang trại thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái, phục vụ việc thăm quan, trải nghiệm của nhân dân thủ đô, ông Nguyễn Tiến Dũng đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tiến Tuấn.

Năm 2021, sản phẩm hoa lan hồ điệp của công ty đã được chấm điểm, phân hạng 4 sao trong chương trình OCOP. Sau khi được phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm hoa lan hồ điệp của công ty đã được nhiều khách hàng biết tới và tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm. Đầu ra cho sản phẩm nhờ vậy cũng ổn định hơn trước rất nhiều.

Nhiều giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP

Sản phẩm ổi Đài Loan của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong và hoa lan Hồ Điệp của gia đình ông Dũng chỉ là 2 trong số 55 sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh. Giai đoạn 2018 - 2020, toàn huyện Mê Linh đã có 35 sản phẩm được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội công nhận, cấp sao trong chương trình OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, còn lại là các sản phẩm được chứng nhận 3 sao.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra những nông sản chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, huyện Mê Linh đã ban hành Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Đề án được triển khai với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng hệ thống vận hành Đề án OCOP từ huyện đến cơ sở; đào tạo nguồn nhân lực OCOP. Cùng đó, thực hiện lồng ghép các Chương trình, các giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, thống kê, kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận…

Thông tin về kết quả thực hiện đề án, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, năm 2021, huyện tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, kinh doanh hoàn thiện bao bì nhãn mác cho 35 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng trong năm 2020. Đồng thời, tiến hành đánh giá, phân hạng cho 20 sản phẩm hiện mới và đề nghị Thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao của 4 chủ thể.

Nhằm đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội; Sở Công Thương Hà Nội; Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cùng các đơn vị liên quan lồng ghép các nội dung, huy động thêm nguồn lực vào thực hiện các chương trình OCOP hyện Mê Linh.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Mê Linh đã đăng ký cho 9 chủ thể là các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia tập huấn trực tuyến từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh qua mạng. Huyện cũng tiến hành đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện năm 2022 đối với 20 sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành hàng gồm: thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ- trang trí, du lịch cộng đồng của 11 chủ thể là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện.

Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm 2022, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, từ đó huy động sự vào cuộc của các chủ thể và đông đảo tầng lớp nhân dân. Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng sẽ chú trọng xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản, hàng hóa của các chủ thể vào hệ thống phân phối. Thông qua các hoạt động trên đưa sản phẩm thế mạnh của huyện đến tay người tiêu dùng, khẳng định chất lượng của các sản phẩm OCOP huyện Mê Linh.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này