Đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường

19:47 | 10/08/2022
(LĐTĐ) Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật để mọi người tuân thủ và thực hiện đúng đạo đức, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và không vi phạm pháp luật?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đại biểu Quốc hội chất vấn về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân

Đó là chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 10/8.

Quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) hỏi, xu hướng việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới. “Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này? Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật để mọi người tuân thủ và thực hiện đúng đạo đức, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và không vi phạm pháp luật hay bị xử lý hành chính, xử lý hình sự”, đại biểu hỏi.

Đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời các đại biểu. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho biết, hiện nay mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí, phổ biến nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

“Xin Bộ trưởng cho biết có những giải pháp gì để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên. Câu hỏi này tôi cũng xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình lại chất vấn về đạo đức học đường. “Văn hóa ứng xử trong thời gian qua đã có biểu hiện đáng lo ngại, bạo lực học đường, bạo lực y tế diễn ra dễ dàng hơn, những hành vi người bệnh, người nhà người bệnh bạo hành nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ hay những hành xử thiếu văn hóa diễn ra ngay trong môi trường giáo dục, gian lận trong thi cử.

Đây là vấn đề dẫn đến hình ảnh 2 người thầy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề trên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cần phải có giải pháp căn cơ nào để hạn chế, khắc phục tình trạng trên. Câu hỏi này tôi cũng xin đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”, đại biểu chất vấn.

Đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tham gia trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về vấn đề lệch chuẩn trong mạng xã hội, những quy tắc trong ứng xử khi tham gia mạng xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Bộ trưởng cho rằng, khi sử dụng mạng xã hội nên tôn trọng quy tắc này, ứng dụng quy tắc này để hạn chế thấp nhất về những việc làm ảnh hưởng đến văn hóa và phản văn hóa. “Chúng tôi đề nghị sẽ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm và vừa qua chúng tôi đã xử lý một cách nghiêm túc những trường hợp lợi dụng mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội không đúng đã làm ảnh hưởng trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, xây dựng văn hóa là một công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì con người và xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người để thực hiện nhiệm vụ này, cho nên phải là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và từng thành viên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi hình thành được môi trường gia đình, môi trường nhà trường và môi trường xã hội, cả 3 môi trường này đều là những môi trường văn hóa thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và sẽ hạn chế được mặt xuống cấp của vấn đề về đạo đức.

Đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo

Tham giai giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn hóa học đường ngày càng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng. Về phía ngành giáo dục và đào tạo đã rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chính sách có liên quan. Trong đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là một giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường
Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn tại nghị trường. (ảnh: Quốc hội)

Xét về vấn đề văn hóa trong trường học, có 2 phương diện rất quan trọng. Đó là trường học có vai trò trong việc tạo dựng ra các giá trị văn hóa và trường học cần phải thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Ngày 1/6 vừa qua Thủ tướng đã ký chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới bằng nhiều chính sách.

“Chúng tôi hy vọng với việc triển khai nhiều nội dung của chỉ thị này sẽ tạo ra được những sự chuyển biến tốt lên của vấn đề văn hóa học đường” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ.

Về các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ trưởng cho biết, cần rà soát cho phù hợp trong tình hình và nhiệm vụ mới. “Chúng tôi lưu ý đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo. Đây là một điều có tính chất quan trọng, vì học sinh luôn luôn làm theo các tấm gương của những người thầy, những vấn đề giáo dục về kỹ năng, ứng xử, vấn đề phát triển thư viện trường học, văn hóa đọc...

Đồng thời, phối hợp giữa nhà trường và xã hội, đặc biệt với cha mẹ học sinh. Có rất nhiều những nội dung hoạt động chúng tôi sẽ chỉ đạo triển khai trong thời gian tới, nhằm từng bước tạo dựng một văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, để đào tạo một thế hệ người với những giá trị như sự lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực...”, Bộ trưởng cho biết.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này