Không có vi phạm xây dựng nếu cơ quan chức năng nghiêm

12:58 | 09/08/2022
(LĐTĐ) Những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhanh chóng, trung bình mỗi năm có đến 20.000 công trình xây dựng được khởi công. Các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, không những làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị mà còn đặt ra những yêu cầu mới cho công tác quản lý Nhà nước về xây dựng.
Tăng mức tiền phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng Xử lý sai phạm xây dựng và phân lô tách thửa sau phản ánh của Báo Lao động Thủ đô

Kiên quyết xử lý các vi phạm

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng, cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chuyên đề số 03 “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”. Chuyên đề hướng tới mục tiêu tất cả hoạt động xây dựng đều phải được kiểm tra, giám sát; vi phạm trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm; từng bước xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng; kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục các tồn tại; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác cấp phép, quản lý trật tự xây dựng...

Không có vi phạm xây dựng nếu cơ quan chức năng nghiêm
Lực lượng chức năng quận Đống Đa đọc thông báo xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 84 Đường Láng.

Căn cứ vào các nội dung trong chuyên đề, UBND các quận, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, phòng ban về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; chủ động phối hợp các sở, ngành tiến hành công tác kiểm tra, xác minh, thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm trật tự xây dựng xử lý nghiêm các công trình vi phạm theo đúng quy định.

Đơn cử như mới đây, UBND quận Đống Đa đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phá dỡ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 17 ngõ 80 đường Láng (nay là địa chỉ số 84 đường Láng). Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận, công trình vi phạm trật tự xây dựng này đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, để hoàn thiện quy trình, UBND quận Đống Đa đã họp với các Sở, ngành: Thanh tra Thành phố, các Sở Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường để tham vấn và rà soát quy trình triển khai lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này. Điều đáng nói là trước, trong, sau quá trình triển khai cưỡng chế phá dỡ, toàn bộ hồ sơ, thủ tục, quy trình đều được UBND quận Đống Đa công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên website UBND quận.

Không chỉ riêng tại quận Đống Đa, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, đã tiến hành kiểm tra 9.166 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 179 trường hợp có vi phạm, xử lý dứt điểm 98/179 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 81 trường hợp còn lại.

Lực lượng chức năng Thanh tra Sở cũng đã thực hiện tổng số 3 cuộc thanh tra chuyên ngành; đồng thời thực hiện 48 cuộc kiểm tra chuyên ngành trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và công sở... Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư có vi phạm.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân còn tồn đọng. Hoạt động quản lý của chính quyền cơ sở và Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị cơ bản đã ngăn chặn được việc xây dựng không phép, nhưng vẫn còn tình trạng công trình xây dựng sai phép như: Lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, cơi nới mở rộng tum thang, xây dựng vượt diện tích tầng lửng, xây đua ban công, lôgia hoặc xây dựng tường quây thành phòng... chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời. Việc xử lý vi phạm của các địa phương chưa quyết liệt, kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm.

Đa số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng là nhà ở riêng lẻ đô thị, việc xử lý liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh. Vì vậy ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn, dễ gây khiếu kiện phức tạp. Một số công trình vi phạm UBND phường, xã, thị trấn, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không kịp thời báo các cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý, khi được dư luận và báo chí phản ánh các cơ quan vào cuộc thì các công trình đã vi phạm sâu, quy mô lớn dẫn đến gây khó khăn trong việc xử lý.

Điển hình trong số này phải kể đến trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Căn cứ vào báo cáo của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã có kết luận “Việc UBND quận Cầu Giấy tổ chức kiểm điểm, đề xuất mức độ chịu trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy là chưa tương ứng với mức độ vi phạm”. Từ kết luận này, Ban cán sự đảng UBND Thành phố đã báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thực hiện kiểm tra, đánh giá, kết luận mức độ vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.

Nói như vậy để thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị là khá “bề bộn”, trong khi đó thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng của các Đội chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý, do đó hiệu quả xử lý chưa cao. Ngoài ra, cũng phải kể đến những bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức hoạt động đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng. Trước đây còn là mô hình Thí điểm Thanh tra xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn được cấp trang phục để thực thi công vụ, được thi, bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính... và được hưởng phụ cấp thanh tra viên, phụ cấp thâm niên nghề thanh tra. Hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ.

Việc thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý./.

Công cụ quản lý Nhà nước về xây dựng khá đầy đủ và đồng bộ, thế nên không thể nói thiếu cái này, cái nọ hoặc lực lượng thanh tra xây dựng, quản lý xây dựng mỏng dẫn đến những vi phạm, sai phạm về xây dựng như thời gian qua. Điều quan trọng là ý thức chính trị của các cấp cơ quan chức năng (Thanh tra Sở xây dựng) và các cấp chính quyền (quận, huyện/xã, phường). Đã đến lúc phải dẹp bỏ cái gọi là nhà dân chót cơi nới một chút trong ngõ ngách (vẫn biết là sai phạm) chưa kịp xin đã thấy thanh tra xây dựng vào lập biên bản kiểm tra, nhưng cả một tòa nhà xây sai phép, vi phạm nghiêm trọng Luật xây dựng thì chỉ khi công luận lên tiếng các cơ quan chức năng mới vào cuộc với rất nhiều lý do như một số đại biểu Quốc hội từng đề cập tại phiên họp chuyên đề liên quan đến quản lý Nhà nước về xây dựng trước đây là không ổn!

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này