Dấu ấn 10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học

18:52 | 08/08/2022
(LĐTĐ) Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được tổ chức lần đầu vào năm 2013 và duy trì mỗi năm một lần. Hằng năm có từ 200 đến 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn dự án tham gia vòng chung kết cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 đến 6 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia.
Học sinh Hà Nội đạt thành tích xuất sắc tại cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật cao Người phụ nữ dành trọn tâm huyết cho khoa học

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, Cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học.

Từ năm 2013 đến năm 2019, Cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 đến 6 dự án/đơn vị dự thi và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.

Dấu ấn 10 năm Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học
Hà Nội là địa phương có dự án đạt giải cấp quốc gia nhiều nhất với 137 giải. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2020, do tình hình có dịch Covid-19, Cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (chỉ có 2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được tham dự 4 dự án) nên Cuộc thi được tổ chức tại một địa phương trên cả nước.

Năm 2022, do điều kiện thực tế, Cuộc thi được tổ chức trực tuyến hoàn toàn. Các dự án tham dự Cuộc thi được tuyển chọn từ các Cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc trung ương, trực thuộc trường đại học, đại học).

Bên cạnh những kết quả, dấu ấn tốt đẹp qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cũng đứng trước yêu cầu cần thay đổi để phù hợp với đổi mới chung của giáo dục phổ thông.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát ý kiến của các cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng, nhà trường và các giáo viên trung học về Cuộc thi này để qua đó có phương án thay đổi phù hợp.

Theo báo cáo của các đơn vị tham gia Cuộc thi, hằng năm có từ 200 đến 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn dự án tham gia vòng chung kết cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 đến 6 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia theo quy định từng năm của Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý, trong 10 năm tổ chức Cuộc thi, tất cả các địa phương đều có dự án tham gia dự thi và cũng đều có dự án đạt giải (số dự án đạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137). Nhiều tỉnh, thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.

Qua báo cáo của các địa phương về số lượng dự án, số lượng học sinh cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tham gia ở Cuộc thi cấp địa phương tăng dần trong 10 năm qua. Điều này cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học ở cấp địa phương ngày càng phát triển từ số dự án đến số học sinh tham gia Cuộc thi.

Hằng năm, từ kết quả Cuộc thi, Bộ GD&ĐT lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức. Thành tích của học sinh Việt Nam trong Hội thi luôn luôn ổn định. Năm nào Việt Nam cũng là một trong khoảng 50% quốc gia và vùng lãnh thổ có giải tại Hội thi.

Đây là kết quả phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này