Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 năm 2022 đạt 30,61 tỷ USD

15:18 | 06/08/2022
(LĐTĐ) Tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 61,14 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước (tương ứng giảm 3,93 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 30,61 tỷ USD, giảm 6,8% (tương ứng giảm 2,23 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 30,53 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD).
[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 đạt 88,58 tỷ USD Ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỷ USD năm 2022 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt hơn 242 tỷ USD

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3%, tương ứng tăng 57,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 30,92 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 năm 2022 đạt 30,61 tỷ USD
Tháng 7 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,61 tỷ USD

Cũng theo Bộ Công Thương, kết quả xuất nhập khẩu thời gian vừa qua đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tận dụng, nhanh chóng khai thác thị trường xuất khẩu ngay sau khi nhu cầu được phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới tiếp tục trong bối cảnh các FTA đã thực thi được một thời gian, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định.

Cho dù xuất khẩu 7 tháng năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, song Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Lo ngại hơn, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết để tìm kiếm thị trường mới.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này