Quản lý giá cước vận tải như thế nào khi giá xăng, dầu hạ nhiệt?

21:25 | 05/08/2022
(LĐTĐ) Trước việc hãng xe công nghệ thu thêm phụ phí, nhiều người cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ.
Tổ chức thành lập Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ Hà Nội Grab dành đến 6,3 tỷ đồng để hỗ trợ đối tác tài xế khắp cả nước Giá xăng tăng, tài xế công nghệ tắt app

Tăng giá dịch vụ bằng "phụ phí"

Mới đây, tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, Grab công bố sẽ thu thêm “phụ kiện nắng nóng” 5 nghìn đồng với mỗi chuyến Grab bike và mỗi đơn hàng Grab food, Grab mart. Với dịch vụ Grab express là 3 nghìn đồng/một đơn hàng. Đồng thời, phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào màn hình hiển thị giá trị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe. Ngoài ra, Grab cũng đã triển khai áp dụng thu thêm một số loại hình phí và phụ phí như “phụ phí khi mưa lớn”, “phụ phí kẹt xe”, “phí chờ đợi”. Tuy nhiên, việc tăng phụ phí trên khiến nhiều khách hàng phản ứng mạnh.

Anh Vũ Quang Linh, một khách hàng thường xuyên dùng các loại dịch vụ giao hàng công nghệ và đặt hàng ăn qua mạng cho biết, gần đây giá cước đến các điểm quen thuộc của các hãng đều tăng mỗi chuyến từ 7-12 nghìn đồng. Những ngày nắng nóng hoặc mưa bão thì có lúc tăng đến 20 nghìn đồng. "Gần đây nhất là tôi đặt đồ ăn trên ShopeeFood, ngoài phí dịch vụ là 3 nghìn đồng, tôi phải trả thêm 12 nghìn đồng phí thời tiết xấu", anh Linh cho biết.

Now là dịch vụ giao hàng trực tuyến được Công ty cổ phần Foody ra mắt từ năm 2016. Đây là một trong những ứng dụng đón đầu mảng giao đồ ăn ở Việt Nam, khá quen thuộc với người dùng trong đồng phục đỏ, viền xanh. Từ ngày 18/8/2021, hãng này đã đổi tên thành ShopeeFood.

Quản lý giá cước vận tải như thế nào khi giá xăng dầu hạ nhiệt?
Đơn hàng từ Ngũ Xã đến Yết Kiêu (Hà Nội) của anh Linh cộng thêm 12 nghìn "phí thời tiết xấu"

Hầu hết các ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Gojek là đều có phụ phí, song đều gộp những khoản này vào giá cước. Tuy nhiên, mỗi hãng sẽ có một chiến lược phân chia theo tỉ lệ khác nhau, và các mức phụ phí cũng sẽ khác nhau. Trong đó, các hãng đều thu một loại phí là phí nền tảng. Nghĩa là, mỗi lần khách hàng sử dụng ứng dụng, đặt xe, giao hàng hoặc các dịch vụ khác sẽ phải trả phí nền tảng.

Đối với Grab, chiết khấu của xe máy là 27%, ô tô hơn 31%. Gojek có mức chiết khấu với xe máy là 20%, ô tô là 25%. Be Group có mức chiết khấu trung bình cho cả hai loại phương tiện là hơn 25%. Be Group có phụ phí giao hàng và gửi xe ban đêm với xe máy là 10 nghìn đồng và ô tô là 20 nghìn đồng. Bên cạnh đó, mức phụ phí nhiều điểm đến hoặc thay đổi điểm đến có mức thu từ 5-10 nghìn đồng. Gojek có mức phụ phí ban đêm đối với xe máy là 5 nghìn đồng và ô tô là 20 nghìn đồng. Đối với phụ phí thêm điểm dừng cho xe máy và ô tô dao động từ 10-15 nghìn đồng.

Tuy nhiên, việc mới đây Grab đưa ra những mức phụ phí liên quan đến thời tiết khiến cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phải vào cuộc và đề nghị đơn vị này cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay như phụ phí nắng nóng, kẹt xe.

Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Cục cũng yêu cầu Grab cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay như căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe.

Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá

Trước việc hãng xe công nghệ thu thêm phụ phí, các chuyên gia kinh tế cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ và đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Luật Giá, bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp đối với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số. Với vận tải hành khách xe công nghệ, các hãng công nghệ Grab, Be, Gojek... cần phải kê khai, niêm yết, công khai giá cước, phụ phí để cơ quan quản lý giám sát và người tiêu dùng biết.

Quản lý giá cước vận tải như thế nào khi giá xăng dầu hạ nhiệt?
Hầu hết các ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Gojek đều có phụ phí

Theo Bộ Tài chính, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện nay quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Về giá cước vận tải, theo pháp luật về giá, giá cước vận tải bằng xe ô tô do thị trường điều tiết, quyết định, việc công khai, niêm yết thông tin về giá thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 và Điều 6 Luật Giá. Các hành vi vi phạm về công khai, niêm yết thông tin về giá được xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí và hóa đơn.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị đối với dự thảo Luật Giá sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành (trong đó có Bộ Giao thông vận tải – Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải) đối với vấn đề giá cước vận tải, phụ phí, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hình thức quản lý giá đối với khoản thu này.

Về vấn đề cơ quan chức năng quản lý mặt hàng thiết yếu và giá cước vận tải như thế nào trong khi giá xăng, dầu đã hạ rất sâu sau mấy đợt điều chỉnh? Bộ Tài chính cũng cho hay, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế. Chi phí xăng, dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải.

Trong tháng 7/2022, giá xăng, dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh do việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng, dầu thế giới giảm. Việc giảm giá xăng, dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá của các mặt hàng, nhất là những hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng, dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.

"Trong tháng 7/2022, mặc dù giá xăng, dầu trong nước giảm mạnh trong nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng, dầu giảm", Bộ Tài chính cho hay.

Giá xăng, dầu trong nước cũng đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành giá chiều 1/8. Theo đó, giá xăng ngày hôm nay (5/8) giảm hơn 400 đồng/lít. Đây là lần giảm giá xăng thứ 4 liên tiếp và là lần giảm thứ 7 tính từ đầu năm đến nay.

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua;

Tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời;

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Quản lý giá cước vận tải như thế nào khi giá xăng dầu hạ nhiệt?
Giá xăng ngày hôm nay (5/8) giảm hơn 400 đồng/lít. Đây là lần giảm giá xăng thứ 4 liên tiếp và là lần giảm thứ 7 tính từ đầu năm đến nay.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Thủ tướng cũng yêu cầu: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp;

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.

Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành thì Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải. Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này