Nợ bảo hiểm xã hội – Kỳ 3: Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần trách nhiệm từ nhiều phía

09:52 | 31/07/2022
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong việc được thụ hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội từ bảo hiểm xã hội (BHXH); bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Trong đó, không chỉ từ phía cơ quan BHXH, mà còn là sự vào cuộc tổng thể của cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, tổ chức Công đoàn,…
Hà Nội: Thu hồi 134,9 tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ 1: Nợ đọng BHXH “khối u” vẫn còn nhức nhối Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ 2: Doanh nghiệp, người lao động cùng chịu thiệt

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Từ danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến ngày 30/6/2022, có thể thấy những khó khăn mà ngành BHXH Thành phố phải đối diện trong công tác giảm nợ BHXH, BHYT là không hề nhỏ. Tuy nhiên, với nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, BHXH Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thu nợ, qua đó giảm thiểu tối đa các đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài.

Nợ bảo hiểm xã hội –  Kỳ 3: Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần trách nhiệm từ nhiều phía
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng BHXH

Ông Chu Quang Dũng, Phó trưởng phòng Thanh tra BHXH Thành phố cho biết, nhằm nỗ lực giảm nợ đọng BHXH, thời gian qua BHXH Thành phố đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, gửi danh sách những đơn vị nợ đọng tiền BHXH lâu dài, đăng tải, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành thanh tra, kiểm tra, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính với đơn vị có nợ đọng BHXH. Bên cạnh đó, BHXH Thành phố cũng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, trách nhiệm phải đóng đầy đủ BHXH cho người lao động.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, BHXH Thành phố đã phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra 3.081 cuộc. Trong đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 1.709 cuộc; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số là 1.372 cuộc; thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 1.299 đơn vị; chủ trì kiểm tra tại 40 đơn vị sử dụng lao động; phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thanh tra tại 33 đơn vị sử dụng lao động.

Sau khi vào cuộc, số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra đã nộp lại để khắc phục nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN là 274,3/584,4 tỷ đồng (đạt 46,9 %). Cùng đó, BHXH Thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 133 lao động chưa đóng BHXH, đóng thiếu thời gian với số tiền đề nghị truy đóng là 2,37 tỷ đồng và 45 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền là 126,3 triệu đồng; yêu cầu trả sổ BHXH cho 62 lao động,...

Đặc biệt, BHXH Thành phố đã thanh tra, phối hợp thanh tra liên ngành, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BHXH, BHTN đối với 35 đơn vị chây ì nợ tiền BHXH, BHTN, đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định với tổng số tiền là 5.149.093.077 đồng.

Với cách làm quyết liệt thời gian qua, BHXH Thành phố đã nỗ lực kéo giảm nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị đã chấp hành nghiêm việc thực hiện nộp BHXH, vẫn còn nhiều đơn vị có số nợ kéo dài.

Đề cập nguyên nhân thực trạng này, đại diện thanh tra BHXH Thành phố cho biết, không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nợ đọng BHXH kéo dài. Thế nhưng, cũng có nhiều doanh nghiệp dù không bị tác động, hoặc đã phục hồi sản xuất trở lại nhưng cũng mượn cớ này để chây ỳ đóng BHXH, BHYT, khiến cho quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cần quyết liệt hơn

Không thể phủ nhận những nỗ lực của BHXH Hà Nội trong việc kéo giảm nợ đọng BHXH. Thực tế số liệu thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp sau khi BHXH Thành phố ra quyết định thanh tra, kiểm tra đã tích cực thanh toán các khoản nợ đọng BHXH, BHYT như thế nào. Thế nhưng, nếu nhìn vào danh sách nợ đọng BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến ngày 30/6/2022 là 47.633, với tổng số tiền nợ đọng lên đến 4.904,4 tỷ đồng thì dễ dàng nhận thấy, công tác thu hồi nợ đọng BHXH chưa thấm vào đâu so với danh sách các doanh nghiệp nợ đọng BHXH.

Nợ bảo hiểm xã hội –  Kỳ 3: Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần trách nhiệm từ nhiều phía
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn tư các cơ quan chức năng nhằm xử lý nghiêm các đơn vị nợ đọng BHXH lâu ngày và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động

Thực tế, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra, công tác khởi kiện cũng chưa thực hiện được. Trong khi đó, thực hiện theo Luật BHXH số 58/2014/QH13, từ ngày 1/1/2016 cơ quan BHXH không có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mà giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn.

Trong khi đó, việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi. Cụ thể, theo ông Chu Quang Dũng, từ năm 2019 đến nay, BHXH và Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH) Hà Nội mới chỉ hoàn thành và chuyển hồ sơ nợ đọng BHXH của 6 đơn vị sang cơ quan cảnh sát điều tra (BHXH 4 đơn vị, 2 đơn vị của Sở LĐTB&XH), nhưng đến nay chưa xem xét xử lý trường hợp nào do còn nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, 6 đơn vị trên đều là những cái tên “quen thuộc” như: Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 116; Công ty Cổ phầm Cơ khí và Xây dựng Bắc Bộ; Công ty Cổ phần Xây dựng & Kỹ thuật Thuận Thành; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng 121; Công ty Sơn Thái Lan và cuối cùng là Công ty Cổ phần cơ khí & Xây lắp số 7. Trong đó, số tháng nợ đọng BHXH của các đơn vị này đều rất lớn, thấp nhất là 27 tháng và cao nhất lên đến 98 tháng và tổng số nợ lên đến hàng tỷ đồng.

Từ thực tế trên có thể thấy, mặc dù cơ quan BHXH Thành phố đã nỗ lực vào cuộc nhằm giảm nợ đọng BHXH; tuy nhiên, để giải quyết triệt để và bóc tách được “khối u” này thì cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các cơ quan chức năng như: Tổ chức Công đoàn, cơ quan Công an, Sở LĐTB&XH, hệ thống các Ngân hàng, Tòa án,… có như vậy mới hy vọng hạn chế được việc trục lợi chính sách BHXH, nợ đọng BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này