Nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò

07:27 | 28/07/2022
(LĐTĐ) Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội đã diễn ra một sự kiện trọng đại của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam: Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ ở miền Bắc đã khai mạc, tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay. Tháng 11/1983, Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc lần thứ V đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò không thể thiếu LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò
Ảnh minh họa.

93 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giành độc lập- tự do; giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh.

Là tổ chức quan trọng của hệ thống chính trị, để luật hóa vị trí, vị thế không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Điều 10, Hiến pháp năm 2013, tiếp tục khẳng định:“Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đặc biệt, nhằm đáp ứng với hoàn cảnh mới trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập hầu hết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cả ở cấp song phương lẫn đa phương, để tăng thêm vị thế của tổ chức Công đoàn, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đây thực sự là Nghị quyết quan trọng để tổ chức Công đoàn Việt Nam phát triển xứng đáng là tổ chức vì người lao động, của người lao động.

…Tự hào về truyền thống hào hùng của tổ chức Công đoàn Việt Nam, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Thủ đô vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã có những cách làm sáng tạo và thu được nhiều kết quả toàn diện. Không chỉ làm tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của đoàn viên, người lao động, Công đoàn Thủ đô còn tham mưu cho Đảng bộ Thành phố tiên phong phát triển nhà ở công nhân; đi đầu trong phát động các phòng trào đổi mới sáng kiến- sáng tạo; thi đua lao động- sản xuất, thực hành tiết kiệm; phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo nghề để tăng năng suất lao động, đồng thời tạo kênh vốn tín dụng giúp đoàn viên nghèo vượt khó…

Thời kỳ mới, tình hình mới, để xứng đáng với niềm tin của Đảng, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy nhất, hiệu quả nhất của người lao động, Công đoàn Việt Nam nói chung, tổ chức Công đoàn Thủ đô nói riêng không ngừng đổi mới để thực sự là tổ chức của giai cấp công nhân, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước phồn vinh; Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

LĐTĐ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này