NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW: Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN

Bài cuối: Rà soát quy hoạch đất đai, tránh tình trạng "chạy" nghị quyết

16:18 | 04/07/2022
(LĐTĐ) Trong 2 ngày 21-22/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, liên quan đến Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày sáng 21/7 và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng kết luận tại Hội nghị vào sáng 22/7 càng làm người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng về lĩnh vực đất đai và tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực vốn rất “nóng” như đất đai.
Kỳ 1: Người dân càng tin vào Đảng... Kỳ 2: Gần dân, lắng nghe dân - "chìa khóa" để cụ thể hóa "ý Đảng, lòng dân"

3 đột phá chiến lược để giải quyết tận gốc mâu thuẫn

Nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 18 của Trung ương, các chuyên gia đã chỉ ra một số điểm mới, trong đó có 3 điểm không chỉ mang tính đột phá chiến lược mà “nhìn thấu” được những bất cập trong nội tại Luật Đất đai hiện hành cũng như trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương thời gian qua.

Bài cuối: Các địa phương cần tổng rà soát quy hoạch để tránh “chạy” nghị quyết
Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, trong đó phân tích rất rõ Nghị quyết số 18 liên quan đến nguồn lực đất đai (Ảnh: TTXVN)

Đó là chấm dứt cơ chế hai giá đi liền với bỏ quy định về khung giá đất (nghĩa là trừ thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, dân sinh… khi thu hồi đất cho doanh nghiệp như phát triển địa ốc, xây khách sạn, khu du lịch phải tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận của thị trường - PV); chấm dứt tình trạng quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả phát triển kinh tế không cao, đồng thời không được thay quy hoạch đất đai dễ tạo kẻ hở cho tiêu cực; khi tiến hành quy hoạch để thu hồi đất phải song hành quy hoạch về khu tái định cư. Kiên quyết không thu hồi đất của nhân dân khi chưa có khu tái định cư.

Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết thêm, việc thu hồi đất phải có chỗ tái định cư đã được quy định trong nghị quyết trước, điểm mới của Nghị quyết 18 này quy định rõ hơn, nhân văn hơn, đòi hỏi cao hơn một bước là “Người dân trong diện bị thu hồi đất bắt buộc phải có cuộc sống tốt hơn hoặc phải bằng so với cuộc sống trước đây”; nghĩa là thu hồi đất không đơn thuần chỉ đền bù thỏa đáng hoặc đền bù nơi tái định cư mà còn phải tạo ra công ăn việc làm, thu nhập (an sinh) cho người dân bị thu hồi nữa.

Cạnh đó, phát biểu chỉ đạo và triển khai Nghị quyết số 18, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã làm rõ vấn đề “bất cập” trong công tác sử dụng, quy hoạch, thu hồi đất thời gian qua. Ngoại trừ thu hồi cho phát triển công nghiệp nhằm tạo ra công ăn việc làm cho người lao động động thì một diện tích rất lớn đã bị thu hồi cho doanh nghiệp làm sân golf, các dự án bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng. Đây cũng là vấn đề phải sớm chấn chỉnh trong thời gian tới.

Qua theo dõi các thông tin liên quan đến Nghị quyết số 18 và thực tiễn thời gian qua, ông Nghiêm Nguyễn, đảng viên, cán bộ về hưu tại Thịnh Quang, Đống Đa bày tỏ quan điểm: Với việc Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 liên quan đến đất đai, không chỉ Đảng ta đã thực sự lắng nghe dân để di tới những điều chỉnh trong công tác quản lý mà quan trọng hơn đã nhìn thấy những “khoảng hổng” trong nội hàm luật, công tác quản lý Nhà nước dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện kéo dài để kịp thời chấn chỉnh (bịt lại).

“Không chỉ cá nhân tôi, mà tôi tin nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân rất kỳ vọng, tin tưởng Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương sẽ sớm đi vào cuộc sống, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng và thu hồi đất như thời gian qua”, ông Nguyễn nhấn mạnh.

Không để xảy ra tình trạng “chạy” dự án trước khi Nghị quyết vào cuộc sống

Lao động Thủ đô từng có một số bài phản ánh về tình trạng quy hoạch ngược, đại ý: Theo nguyên lý, lẽ ra cấp tỉnh, thành phố dựa vào lợi thế so sánh tài nguyên đất đai trên địa phương mình để làm căn cứ quy hoạch tổng thể cho mục tiêu phát triển kinh tế. Cụ thể, nơi nào làm công nghiệp, nơi làm du lịch… sau khi có quy hoạch, thậm chí có mặt bằng sạch mới tiến hành mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư. Doanh nghiệp muốn đầu tư phải đáp ứng đúng các tiêu chí mà chính quyền tỉnh, thành đề ra. Nhưng thời gian qua, không ít nơi đang tiến hành theo quy trình ngược. Doanh nghiệp hoặc được mời, hoặc tự ý đến khảo sát, ưng chỗ nào “chấm” một miếng, rồi tiến hành xin tỉnh, thành đầu tư dự án. Tỉnh, thành căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp và bộ phận tham mưu là các sở, ngành tiến hành phê duyệt chủ trương đầu tư, rồi ban hành quyết định thu hồi đất… dẫn đến đất đai bị quy hoạch manh mún, kém hiệu quả, thậm chí nảy sinh tiêu cực làm phát sinh khiếu kiện (trừ đất nằm trong quy hoạch của quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch các dự án trọng điểm).

Bài cuối: Các địa phương cần tổng rà soát quy hoạch để tránh “chạy” nghị quyết
Tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cánh rừng thông cổ thụ vốn nổi tiếng đã bị thu hồi một diện tích rất lớn cho việc xây dựng sân Golf, tổ hợp khách sạn mà các chuyên gia, người dân từng phản đối nhưng vẫn triển khai, song đến nay phải tạm dừng. (Ảnh TTXVN- GL)

Đồng tình với cách vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, GS Đặng Hùng Võ còn nhấn mạnh thêm, không chỉ tỉnh, thành phố phải đứng ra lập quy hoạch tổng thể, có mặt bằng sạch mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư; mà tỉnh, thành phố phải tiến hành mở thầu để chọn được nhà đầu tư đạt yêu cầu mới đúng quy định.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, hiện trạng doanh nghiệp đến xin tỉnh, thành phố làm quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấy đất của dân làm các dự án du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản với “tiêu điểm” phổ quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương từ quy mô 3 ha đến khoảng trên 20 ha trên địa bàn cả nước đang rất nhiều. Điều GS Đặng Hùng Võ cũng như bản thân người viết băn khoăn, đặc biệt là những người dân thuộc diện bị thu hồi đất lo lắng là các nhà đầu tư "tranh thủ" xin cấp dự án để “chạy” nghị quyết.

GS Đặng Hùng Võ phân tích, mục đích của việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 là “bịt” lỗ hổng các chính sách liên quan đến đất đai thời gian qua, tạo cơ sở để Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai. Nhưng từ Nghị quyết của Đảng đến việc ban hành các văn bản pháp quy là cả một quy trình. Từ lúc Trung ương ban hành Nghị quyết số 18 đến khi Quốc hội tiến hành sửa Luật Đất đai, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp quy là cần một khoảng thời gian tương đối. Khoảng trống thời gian này nếu chúng ta không quản lý tốt sẽ dẫn đến những đến hệ lụy khó lường.

Vậy “bịt kín” khoảng trống trên như thế nào? GS Đặng Hùng Võ hiến kế: Nếu đúng, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng đất đai là vấn đề rất lớn, đang rất nóng nên theo tôi, Quốc hội cần ban hành ngay một Nghị quyết để tạm thời triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương. Cụ thể, trong thời gian chờ sửa Luật Đất đai (dự kiến năm sau) và các văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước chỉ tiến hành triển khai các dự án đã được cấp phép thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các dự án lớn, cấp bách của quốc gia không thể dừng như dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam...; các dự án công nghiệp, dân sinh thực sự phục vụ nhu cầu cấp bách việc phát triển kinh tế địa phương, còn lại các dự án có quy mô bé (từ 3-20 ha trở lên) phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, khách sạn, bất động sản thương mại, thậm chí dự án sân golf của nhà đầu tư mà phải thực hiện việc thu hồi đất của dân nên tạm dừng để chờ các văn bản quy phạm pháp luật mới.

Bài cuối: Các địa phương cần tổng rà soát quy hoạch để tránh “chạy” nghị quyết
Năm 2017, mang tên khu nghĩ dưỡng sinh thái 4 mùa, sau chuyển thành khu sinh thái Tiên Sa... có quy mô khoảng 3,5 ha nhưng mãi không thể triển khai, thì đến tháng 4/2022, tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định duyệt mở rộng quy mô dự án lên đến trên 17 ha, thậm chí ăn vào cả một phần nghĩa trang vốn đã được quy hoạch và có từ hàng trăm năm nay của thôn Phú Đông, phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Hiến kế và kiến nghị của GS Đặng Hùng Võ hoàn toàn xác đáng và khoa học. Thực tế, hiện tại, trên địa bàn cả nước, không ít doanh nghiệp mang mác nhà đầu tư đến xin đầu tư, địa phương tiến hành thu hồi đất của dân, thu hồi xong, có đất thì chây ỳ mãi không triển khai, hoặc năng lực tài chính kém không thể triển khai, thậm chí chuyển đổi chủ đầu tư với mục đích kiếm lời xong "đắp chiếu" để đấy không triển khai suốt 4-5 năm, có khi cả chục năm trời. Nên giờ, đối với những dự án thuộc diện như trên, nếu có chậm tiến độ để chờ luật, văn bản dưới luật không có gì gọi là cản trở doanh nghiệp!

Để Nghị quyết 18 đi vào cuộc sống, để không xảy ra tình trạng “lách”, “chạy” nghị quyết, các cấp chính quyền địa phương cần tổng ra soát lại tất cả các quy hoạch trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh.

Nghị quyết số 18 của Trung ương là bước đột phá về chiến lược quản lý, sử dụng đất đai. Đây cũng là một trong những nghị quyết được người dân đón nhận, kỳ vọng. Đảng đã vì dân, vì nước ban hành Nghị quyết số 18. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 2 ngày (21-22/7) để tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; trong đó, có Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Hy vọng mỗi cán bộ, đảng viên thuộc các Đảng bộ, chính quyền địa phương sẽ là “cánh tay nối dài” của Đảng, nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, quyết tâm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18, biến Nghị quyết thực sự là “Nghị quyết của ý Đảng, lòng dân”!

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này