Doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng

12:43 | 21/07/2022
(LĐTĐ) Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận toàn ngành ước đạt 137.276 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách nhà nước 60.883 tỷ đồng, đóng góp vào GDP là 461.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.
Công tác khen thưởng của ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng đi vào nề nếp Phát hành bộ tem “Chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII” Tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông tới gần 1.900 cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội

Đánh giá những kết quả ngành thông tin truyền thông đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, Dữ liệu, Bưu chính, An toàn thông tin mạng, Công nghiệp công nghệ số, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Chuyển đổi số báo chí.

6 tháng đầu năm, doanh thu ngành thông tin truyền thông đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày báo cáo kết quả hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ quyết tâm thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ để đạt và vượt kế hoạch Bộ trưởng giao từ đầu năm, xứng đáng với truyền thống “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”.

Cụ thể, lĩnh vực bưu chính, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bưu chính đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; sản lượng bưu gửi đạt 870 triệu bưu gửi, tăng 25% so với cùng kỳ 2021. Bộ đã ban hành kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Cơ sở dữ liệu địa chỉ số tính đến nay là 24 triệu địa chỉ. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện ứng dụng cập nhật và thông báo đến chủ địa chỉ.

Lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 71 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quốc hội đã chính thức thông qua việc xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật.

Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ cũng hỗ trợ Bộ Công thương giám sát trực tuyến số liệu gần 40 nghìn doanh nghiệp xăng dầu.

Triển khai Hệ thống giám sát dữ liệu trực tuyến, kết nối giữa cơ quan quản lý với hệ thống của đối tượng quản lý nhằm giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời: Hiện nay, đã có 62 tỉnh, thành phố và 27 bộ, ngành thực hiện tích hợp Hệ thống EMC, chỉ còn 2 bộ, 1 địa phương chưa thực hiện kết nối đầy đủ để phục vụ công tác giám sát, đo lường.

100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 5/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 32/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022.

Đến thời điểm nay cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố đã triển khai với 36.300 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm tại các địa phương (Đến hết tháng 06/2022: 39 tỉnh, thành phố đã triển khai, tổng số Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập là 33.286; tổng số người tham gia là: 164.272)

Lĩnh vực an toàn thông tin mạng, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.418 tỷ đồng, tăng48,8% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý II/2022 tăng trưởng 0,81% so với năm 2021.

Ngày 02/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-BTTTT về phê duyệt kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Đến nay, đã có 35 Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai. Cơ sở dữ liệu địa chỉ số tính đến nay là 24 triệu địa chỉ số (gồm địa chỉ của hộ gia đình, cơ quan, tổ chức).

Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 72,5 tỷ USD tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt 57 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 tăng 3422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1000 dân (bằng 98% kế hoạch năm là 0,7 doanh nghiệp/1000 dân). Tỷ lệ Giá trị Make in Việt Nam trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD.

Báo chí, truyền thông tiếp tục giữ vai trò là lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, thực hiện thành công chuyển đổi số; xuất bản nhiều sách hay, giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.

Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước 6 tháng đầu năm ước đạt 370 tỷ đồng, tăng16% so với cùng kỳ 2021 (317 tỷ đồng). Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 2.610 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021 (1.859 tỷ đồng).

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này