Giá xăng, dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn cao

19:52 | 20/07/2022
(LĐTĐ) Khi giá xăng, dầu tăng mạnh, giá nhiều mặt hàng lập tức tăng theo. Thế nhưng, hiện nay dù giá xăng, dầu vừa được điều chỉnh giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng lại không giảm theo.
Giá Xăng dầu giảm sâu: Giá hàng hóa vẫn không giảm Giá xăng điều chỉnh giảm nhẹ lần thứ 3 liên tiếp

Giá thịt lợn vẫn cao

Tại Hà Nội, dù giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm đến hơn 3.000 đồng/lít nhưng hầu hết mặt hàng ở các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống hiện vẫn ở mức giá cũ. Thậm chí, giá thịt hơi còn tăng sốc.

Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh, truyền thống và siêu thị cho thấy, giá lợn hơi tăng cao kéo theo giá thịt lợn thành phẩm tăng từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Bà Lê Thanh Mai, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Ngọc Hà, cho biết, đầu tháng 7, giá thịt lợn bình quân khoảng 90.000 đồng/kg nhưng hiện giá thịt lên đến 120.000 đồng/kg. Như thịt ba chỉ tăng lên mức 145.000 - 150.000 đồng/kg, thịt mông sấn có giá 140.000 đồng/kg...

Theo bà Mai, do giá thịt lợn tăng cao nên lượng người mua cũng giảm rõ rệt. “Bình thường, mỗi ngày tôi bán được khoảng 2 con. Nhưng giờ nghe báo giá, ai cũng nhăn mặt kêu đắt quay đi. Mấy hôm nay trung bình một ngày, tôi chỉ bán hết khoảng 50 kg thịt lợn, chưa bằng một nửa so với khoảng đầu năm”, bà Mai chia sẻ.

Giá xăng, dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn cao
Tại môt số chợ dân sinh, truyền thống và siêu thị, giá thịt lợn vẫn ở mức cao.

Bà Nguyễn Thị Phượng, phường Đội Cấn, cho biết, mấy tháng nay, giá rau quả, thực phẩm đều tăng cao nên bà chắt bóp chi tiêu rất kỹ.

“Gần nửa tháng nay, giá thịt lợn lại tăng chóng mặt. Chỉ có mấy đồng lương hưu ít ỏi, giờ tôi phải tính toán rất chi ly. Thịt lợn đắt nên dạo này cả nhà ít mua hơn, và chuyển qua ăn rau, ăn cá, hoặc thịt gà, vừa rẻ vừa nhiều món hơn”, bà Phượng chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Văn Mỹ, phường Xuân Đỉnh, cũng cho biết, giá thịt lợn vẫn cao, khiến một người lao động có thu nhập hạn chế như ông phải cân nhắc rất nhiều mỗi khi đi chợ. Mỗi tuần ông chỉ mua thịt lợn một lần, còn lại mua các loại thực phẩm khác, có giá cả hợp lý hơn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Cũng theo khảo sát, giá thịt lợn ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cũng đang tăng mạnh, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tại siêu thị TopsMarket, thịt lợn nạc thăn có giá 135.000 đồng/kg, thịt nạc vai có giá 145.000 đồng/kg (tăng 45.000 - 50.000 đồng/kg). Còn tại chuỗi siêu thị LotteMart, thịt nạc đùi lợn cũng có giá lên tới 150.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi có giá 185.000 đồng/kg. Tại chuỗi siêu thị Winmart, bắp giò giá 170.000 đồng/kg, sườn thăn (sườn non) Meat Deli lên tới 210.000 đồng/kg.

Giá hàng hóa phụ thuộc nhiều yếu tố

Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào giá xăng, dầu.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, người ta quy kết sự tăng giá các mặt hàng là do giá xăng, dầu tăng. Thực ra, giá xăng, dầu chỉ tác động mạnh đến ngành vận tải bởi nó chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí ngành này.

Đối với ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí. Nếu xăng, dầu tăng 10% thì giá hàng hóa chỉ tăng khoảng 3%.

Giá xăng, dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn cao
Giá nhiều mặt hàng chưa giảm, trong đó có thực phẩm đã tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động.

Đối với những sản phẩm có tỷ trọng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cao thì khi giá nguyên liệu tăng, cước vận tải tăng, giá sản phẩm mới bị tác động nhiều.

Chẳng hạn, giá dầu ăn đang giảm là do giá nguyên liệu để sản xuất dầu thực vật trên toàn cầu đã giảm gần 30% từ khi Indonesia cấp giấy phép xuất khẩu dầu cọ trở lại từ ngày 23/5.

Hiện 90% nguyên liệu để sản xuất dầu thực vật phải nhập khẩu, giá nguyên liệu giảm thì giá dầu cũng giảm. Không chỉ có dầu ăn, hiện phần lớn nguyên liệu sản xuất trong nước đều phải nhập khẩu, khoảng 300 tỷ USD/năm, tương đương gần 100% GDP (GDP năm 2021 đạt 362 tỷ USD). Thời gian qua, giá nhập khẩu tăng từ 5 - 7%, giá cước vận chuyển đường biển cũng tăng 30 - 40% nên giá nhiều mặt hàng phải tăng theo.

Ông Vũ Đình Ánh phân tích: “Giá hàng hóa không thể tăng, giảm theo kiểu 1 - 1, tức giá xăng, dầu giảm thì giá hàng hóa cũng giảm theo. Điều này chỉ diễn ra trong nền kinh tế tập trung. Nền kinh tế hiện nay là kinh tế thị trường, sự tăng giảm giá là theo chuyển động của thị trường. Giá hàng hóa trên thế giới bắt đầu tăng từ năm 2020 - 2021.

Ở Việt Nam, giá hàng hóa bắt đầu tăng từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 là do tiền đồng Việt Nam vẫn lên giá so với nhiều đồng ngoại tệ khác, giúp giảm áp lực tăng giá trong nước. Hiện nay, do tác động từ nhiều phía nên giá hàng hóa phải tăng để bù vào giá nhập khẩu. Khi giá nguyên liệu trên thế giới chưa ổn định thì giá các mặt hàng trong nước vẫn tiếp tục biến động”.

Giá xăng có thể giảm mạnh từ ngày mai (21/7)

Giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm mạnh trong những ngày qua có thể giúp giá xăng, dầu bán lẻ rong nước giảm mạnh trong đợt điều hành giá xăng, dầu ngày 21/7 tới.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cuối tuần qua liên tục giảm. Cụ thể, giá xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5RON92) bình quân 114,45 USD/thùng; giá xăng RON95 là 120,55 USD/thùng, giảm bình quân gần 20 USD/thùng.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, dựa theo diễn biến giá thế giới, ở kỳ điều hành tới, nếu cơ quan quản lý không trích lập quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng có thể giảm 3.000 - 4.000 đồng/lít.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này