Gỡ “điểm nghẽn” nhân lực ngành thang máy

07:50 | 21/07/2022
(LĐTĐ) Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có trên 35 ngàn thang máy được đưa vào sử dụng. Cùng với sự phát triển nhu cầu lắp đặt thang máy đang tăng cao, tại Việt Nam, đã và đang xuất hiện một số thách thức về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cũng như việc quản lý chất lượng và an toàn sử dụng thang máy, thang cuốn...
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật cao Liên kết “3 nhà” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch Thủ đô

Còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do Hiệp hội thang máy Việt Nam vừa tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh cho biết, tại Việt Nam hiện nay, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đời sống của người dân tăng lên rõ rệt. Vì vậy, nhu cầu lắp đặt thang máy cho nhu cầu dân sinh và dịch vụ, công nghiệp ngày càng lớn, nhất là lắp đặt, sử dụng trong các khu chung cư, văn phòng nhà cao tầng ngày càng tăng cao.

Gỡ “điểm nghẽn” nhân lực ngành thang máy
Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ở Việt Nam có trên 35 ngàn thang máy được đưa vào sử dụng, có khoảng 6 ngàn thang máy nguyên chiếc, và trên 1,7 triệu thiết bị an toàn thang máy phục vụ sản xuất lắp ráp trong nước nhập khẩu về Việt Nam, có khoảng trên 400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lắp ráp nhập khẩu thang máy.

Tuy số lượng lớn, nhưng doanh nghiệp chuyên nghiệp thì chưa nhiều. Đối với thang máy thông thường có 4 khâu cần thiết so với các mặt hàng khác là sản xuất, kiểm định, vận hành và bảo trì. Trong tất cả các khâu này đều yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vì nó liên quan đến tính mạng con người. Do đó, yêu cầu đối với nhân lực ngành thang máy là phải có trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo chính quy, được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề.

Đáng nói, cùng với sự phát triển lắp đặt thang máy tăng cao cũng xuất hiện một số thách thức về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và việc quản lý chất lượng, an toàn sử dụng thang máy, thang cuốn như: Việc đảm bảo các quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; các yêu cầu về an toàn cho người vận hành, sử dụng, bảo trì, sửa chữa; về tổ chức, cá nhân sở hữu, vận hành thang máy thực hiện công tác kiểm định định kỳ, bảo trì, bảo dưỡng thang máy; việc đảm bảo chất lượng người lao động và an toàn sức khỏe lao động trong việc lắp đặt, bảo trì, phụ trách vận hành thang máy…

TS. Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết: “Chỉ có 29% doanh nghiệp FDI và 27% doanh nghiệp Việt Nam đánh giá người lao động đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Điều đó cho thấy những thách thức không nhỏ với nhân lực nói chung, ngành thang máy nói riêng. Ngành thang máy cần đánh giá đúng nhu cầu nhân lực, từ đó gắn kết đào tạo với thực tiễn để đạt hiệu quả. Khung chương trình đào tạo cần phải được chuẩn hóa, tiệm cận với các chương trình đào tạo quốc tế. Xây dựng hệ thống giáo dục 4.0, đào tạo đi tắt đón đầu để nắm bắt các cơ hội tạo ra nhân lực chất lượng, phục vụ không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế…”.

Thực tiễn thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại cho cả tính mạng con người và tài sản do vận hành thang máy, thang cuốn xảy ra trên địa bàn Hà Nội và cả nước nói chung. Điển hình là ngày 25/5/2022 mới đây, ca bin thang máy từ tầng 7 rơi tự do đã khiến 2 thợ thang máy đang làm việc tại ngõ 523 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) tử vong. Trước đó, vụ rơi vận thang lồng tại công trình xây dựng Sở Tài chính Nghệ An đã làm 3 người tử vong, 8 người khác bị thương nặng.

Nhằm nâng cao quản lý Nhà nước về việc làm, sản xuất kinh doanh thang máy và thang cuốn, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành theo thẩm quyền, các văn bản pháp luật đảm bảo về an toàn sức khỏe cho người lao động nói chung và trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn nói riêng về chất lượng ban hành, quy chuẩn quy định quốc gia, các quy trình kiểm định, quy định về huấn luyện vệ sinh an toàn lao động có liên quan đến thang máy, thang cuốn và chỉ định cho 25 đơn vị chứng nhận thang máy phù hợp với quy chuẩn, kỹ thuật và trên 100 đơn vị kiểm định thang máy. Hàng năm chứng nhận hợp quy cho khoảng trên 6 ngàn thang máy nguyên chiếc và một số doanh nghiệp sản xuất, kiểm định trên 20 ngàn thang máy, thang cuốn.

Bộ TB-LĐ&XH đang hoàn thiện cơ sở giữ liệu an toàn, ban hành chính sách nâng cao nguồn nhân lực cho ngành thang máy, góp phần đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng cao, sử dụng an toàn chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hóa trong thời gian sớm nhất.

Chuẩn hóa Kỹ năng nghề Quốc gia với nhân lực ngành thang máy

Ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) cho rằng, ngành thang máy Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong “nguy có cơ”, nếu có thể giải quyết được 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó then chốt là việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn về nhân lực của ngành thang máy. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung vào hai nhiệm vụ chính là xây dựng mã ngành đào tạo và tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho lực lượng kỹ thuật. Đồng thời, đào tạo bồi dưỡng phát triển năng lực quản trị cho lực lượng quản lí của ngành”, ông Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh.

TS.Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu thực trạng năng suất lao động của nước ta so với khối ASEAN (số liệu 2010): Bằng 1/30 lần năng suất lao động của Singapore; 29% năng suất lao động của Thái Lan; 13% của Malaysia…

Những con số này sẽ là những sự cảnh báo để ngành thang máy Việt Nam thấy được cần phải làm gì để năng suất lao động của nhân lực ngành này sẽ không rơi vào tình trạng nói trên, muốn tăng năng suất lao động cần tạo nên hệ sinh thái phát triển kỹ năng nghề, bao gồm 6 trụ cột: Khung trình độ kỹ năng nghề Quốc gia; chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia; học tập suốt đời; hệ thống đánh giá, cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tuyển dụng và sử dụng dựa vào kỹ năng nghề; nguồn tài chính. Trong đó, chuẩn hóa kỹ năng nghề quốc gia là việc cấp thiết đối với ngành thang máy. TS.Nguyễn Chí Trường khẳng định, đã đến lúc các lao động ngành thang máy cần phải có Chứng chỉ Kỹ năng nghề Quốc gia. Các thang máy gia đình cần phải khai báo, kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia nước ngoài, những doanh nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, các công ty thang máy lớn của Việt Nam đều chỉ ra hàng loạt bất cập khiến cho ngành thang máy chưa thể tiến nhanh như mong muốn, rất cần Bộ LĐ-TB&XH tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành theo thẩm quyền, các văn bản pháp luật đảm bảo về an toàn sức khỏe cho người lao động nói chung, đào tạo nhân lực phải có trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo chính quy, được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn nói riêng về chất lượng ban hành, quy chuẩn quy định quốc gia, các quy trình kiểm định, quy định về huấn luyện vệ sinh an toàn lao động.

“Với vai trò của mình, Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp quý giá tại hội thảo, tham mưu đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các chính sách phù hợp, giải quyết “điểm nghẽn” chất lượng nguồn nhân lực để ngành công nghiệp thang máy Việt Nam phát triển bền vững.”, ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam nói./.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này