Còn khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng

19:59 | 19/07/2022
(LĐTĐ) Chiều 19/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông tin về công tác tư pháp quý 2/2022. Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì buổi họp báo.
Truyền thông chính sách phải đi trước để tạo đồng thuận trong xã hội Nâng cao hiệu lực trong thi hành pháp luật về BHXH Chỉ thí điểm đấu giá với biển số nền trắng, áp dụng với ô tô trên toàn quốc

Hơn 9.700 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực, phấn đấu, tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch, nhất là 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác thường xuyên năm 2022.

Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1501 VBQPPL cấp tỉnh, 1306 VBQPPL cấp huyện và 478 VBQPPL cấp xã...

Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chú trọng triển khai thực hiện, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Còn khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng
Toàn cảnh buổi họp báo.

Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế. Bộ đã thẩm định 13 điều ước quốc tế; góp ý 52 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 3.178 yêu cầu uỷ thác tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ tham gia tích cực vào các phiên họp của Ủy ban luật thương mại Liên hợp quốc, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. 6 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 274 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 20 triệu lượt người; tổ chức hơn 2900 cuộc thi cho 2,5 triệu lượt người dự thi; phát miễn phí hơn 25 triệu tài liệu tuyên truyền.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có hơn 9700 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,7%); một số địa phương có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (như Hậu Giang, Hà Nam, Đà Nẵng)...

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước, tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng, thực hiện nề nếp, quy trình, trình tự thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được chú trọng, qua đó kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản lý thanh lý tài sản… tiếp tục được tăng cường thực hiện, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác trợ giúp pháp lý, tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp triển khai thực hiện hiệu quả.

Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hỗ trợ pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp...

Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2021 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt...

Án tuyên số tiền phải thu hồi rất lớn, nhưng tài sản bảo đảm lại rất ít

Đáng quan tâm, trong 9 tháng năm 2022, Hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong là 348.490 việc (đạt tỉ lệ 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 29,47%). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thi hành xong 94 việc.

Trao đổi tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi rất lớn, nhưng tài sản bảo đảm để thi hành lại rất ít. Có trường hợp có tài sản bảo đảm để thi thành nhưng giá trị pháp lý, tính chất pháp lý của tài sản bảo đảm chưa được làm rõ.

Cơ quan thi hành án dân sự phải xác minh, làm rõ tính chất pháp lý có đủ đảm bảo để đưa ra kê biên, xử lý hay không. Lại có những vụ án tuyên về tài sản không rõ; trình tự, thủ tục kê biên tài sản trong những vụ án tham nhũng phải tiến hành rất chặt chẽ, không có sai sót trong việc thi hành...

Nói về đề xuất để tội phạm tham nhũng nộp tiền thay cho chịu trách nhiệm hình sự, ông Lợi cho rằng: “Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đang giao cho các đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam để đưa ra những luận cứ khoa học nhất và sẽ có quan điểm chính thức báo cáo cơ quan có thẩm quyền”.

Về việc thi hành án của phạm nhân Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, ông Lợi cho biết, khoản phải thi hành án của Phan Sào Nam là hơn 1.405 tỷ đồng, đến nay đã thi hành được phần rất lớn, hơn 1.384 tỷ đồng. Còn phạm nhân Nguyễn Văn Dương, số tiền phải thi hành 1.655 tỷ đồng, hiện mới thu hồi được 315 tỷ đồng. Nguyễn Văn Dương có một số tài sản ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và cơ quan thi hành án đang xác minh, truy tìm để xử lý.

“Với ông Dương, tài sản bảo đảm không còn nhiều, nhưng nghĩa vụ phải thi hành còn nhiều, cơ quan Thi hành án đang rất tích cực xác minh, truy tìm. Đến nay, chưa thấy có dấu hiệu che giấu, tẩu tán tài sản hay cố tình không chấp hành án”, ông Lợi cho biết.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này