Cần “cuộc cách mạng” về giao thông công cộng

11:35 | 19/07/2022
(LĐTĐ) Hướng tới mục tiêu giảm áp lực giao thông, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn, tăng cường kết nối, nhiều năm nay, Hà Nội luôn kiên trì với định hướng phát triển giao thông công cộng. Điều này là đúng đắn, tuy nhiên, trước nhiều tác động khách quan và chủ quan, hiện việc phát triển giao thông công cộng vẫn đang phải đứng trước nhiều thách thức, cần có tư duy đột phá, một cuộc cách mạng thực sự về giao thông công cộng.
Vì an toàn của hành khách và em gái trên các phương tiện giao thông công cộng Nỗ lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức

Đối mặt với nhiều thách thức

Giao thông vận tải với phương châm “đi trước một bước” luôn là yêu cầu cấp thiết của các đô thị, vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh. Với Thủ đô Hà Nội cũng vậy. Chỉ khi có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện tăng trưởng nhanh, bền vững.

Cần “cuộc cách mạng” về giao thông công cộng
Việc chú trọng phát triển giao thông công cộng được xem là “chìa khóa” để giải bài toán ùn tắc tại nội đô. Ảnh: Đinh Luyện

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, hiện hệ thống giao thông vận tải của Thành phố vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Quanh vấn đề này, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cũng chỉ ra, hiện vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ.

Thêm nữa, việc kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng nhằm thu hút và trung chuyển hành khách tại các khu dân cư, tối ưu hóa năng lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng vẫn đang tồn tại bất cập, có thể kể đến như thiếu kết nối các phương thức vận tải sức chứa nhỏ như xe mini buýt, xe đạp công cộng để hỗ trợ hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chứa lớn. Ngoài ra, hạ tầng trông giữ phương tiện cá nhân tại các nhà ga, các điểm trung chuyển còn hạn chế đã và đang trực tiếp dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống giao thông công cộng.

Kinh nghiệm thực tế từ quá trình phát triển đô thị trên khắp thế giới đều cho thấy, khi đã có quy hoạch rõ ràng, vận tải hành khách công công luôn là chìa khóa để giải quyết ùn tắc giao thông, trong đó đường sắt đô thị đóng vai trò chủ đạo và hệ thống xe buýt là bổ trợ. Tuy nhiên, người dân Thủ đô vẫn có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân và xe buýt Thủ đô vẫn đang “lép vế” bởi thói quen này. Phương tiện cá nhân bùng nổ khiến vận tốc di chuyển của vận tải hành khách công cộng bị kéo giảm. Tính vận tốc khai thác bình quân của xe buýt hiện chỉ khoảng 15km/giờ, và nếu phương tiện cá nhân tiếp tục gia tăng, ùn tắc kéo dài thì vận tốc của xe buýt sẽ tiếp tục bị giảm. Xe buýt chưa phát huy được hiệu quả mong muốn, hệ thống đường sắt đô thị lại chưa vận hành đồng bộ, kết nối toàn tuyến… điều này khiến nảy sinh hệ lụy là khi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trình các đề án hạn chế phương tiện cá nhân thì gần như ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, trước ảnh hưởng của dịch và thói quen đi lại của người dân tần suất hoạt động của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bị khống chế. Bởi vậy, sản lượng, doanh thu bán vé của Transerco sụt giảm hơn 40% so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Ngoài ra, các tuyến xe buýt sân bay đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn khó khăn do lượng hành khách quốc tế còn hạn chế. Sản lượng chuyến lượt chỉ bằng 30% giai đoạn trước dịch. Tuyến 86 hiện đạt tỷ lệ khách bình quân là 14 khách/lượt nhưng doanh thu chỉ bằng 18,5% so với trước dịch. Tuyến 68 chỉ đạt 8,8 khách/lượt, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2020. Hai tuyến buýt này phải thực hiện tăng giá vé 2 lần vào ngày 15/3 và 24/6/2022 do giá nhiên liệu tăng cao nhưng kết quả kinh doanh vẫn không bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch.

Đồng bộ các giải pháp

Bàn về giải pháp để phát triển giao thông công cộng, Chuyên gia giao thông Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, để tăng tính hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng thì không có cách nào khác ngoài việc ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.

Trên góc độ doanh nghiệp vận tải công cộng Thủ đô, đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm dự báo vẫn còn nhiều thách thức do các yếu tố khách quan và chủ quan, chia sẻ về định hướng hoạt động thời gian tới, Transerco cho biết sẽ luôn bám sát diễn biến tình hình, thực hiện điều hành linh hoạt, quyết liệt, nắm bắt cơ hội thị trường đẩy mạnh khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2022 ở mức cao nhất.

Transerco cũng triển khai dự án đầu tư đổi mới phương tiện sử dụng trên 10 năm và nghiên cứu loại hình phương tiện phục vụ các tuyến mở mới phù hợp với đặc thù của tuyến và đảm bảo hiệu quả khai thác; chuẩn bị về vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch để sẵn sàng triển khai khi đủ điều kiện. Ngoài ra, Transerco sẽ đề xuất kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc khắc phục, xử lý kịp thời các phát sinh trong quá trình vận hành, tạo thuận tiện cho hành khách đi lại, đặc biệt là các giải pháp về điều chỉnh biểu đồ chạy xe, điều chỉnh lộ trình các tuyến tránh khu vực ùn tắc và nghiên cứu mở rộng vùng phục vụ đến các khu vực có nhu cầu đi lại…

Tại Hội thảo “Hà Nội - Giao thông bền vững”, chia sẻ về những định hướng của Hà Nội trong phát triển giao thông công cộng, bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, hướng tới mục tiêu vận tải hành khách công cộng của Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân, Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của người dân cùng chung sức đồng lòng phát triển vận tải hành khách cộng.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố, Hà Nội xác định sẽ phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, Thành phố luôn xác định đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao. Trong đó, nổi bật là tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành từ ngày 6/11/2021; tuyến đường sắt số Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Hoàng Mai; tuyến đường sắt đô thị số Văn Cao - Hòa Lạc…

Cùng đó, Hà Nội tiếp tục phát triển mạng lưới tuyến buýt, trong đó chú trọng loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường (xe buýt điện, sử dụng nhiên liệu sạch CNG...) phấn đấu đến năm 2025 đoàn phương tiện xe buýt có khoảng 4.000 - 4.500 xe, sức chứa bình quân 60 chỗ, với tỉ lệ phương tiện sạch đạt 20%, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới các khu dân cư tập trung vùng ngoại thành, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm hành chính... Tổ chức và phát triển mạng lưới tuyến buýt kế cận kết nối với các tỉnh liền kề góp phầm giảm cơ học các phương tiện cá nhân từ các tỉnh liền kề, qua đó giảm áp lực giao thông cho thành phố. Rà soát điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến theo hướng giảm trùng tuyến, cắt giảm lộ trình bất hợp lý, điều chỉnh tăng cường kết nối xe buýt thường với tuyến BRT và các tuyến đường sắt đô thị./.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này