Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong thương lượng, đàm phán về lương tối thiểu

17:30 | 06/07/2022
(LĐTĐ) Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1/7/2022, cán bộ Công đoàn cơ sở giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong thương lượng, đàm phán với chủ sử dụng lao động và tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại cơ sở.
Tăng cường đối thoại, thương lượng, kịp thời giải quyết phát sinh do điều chỉnh thời gian làm thêm Công đoàn tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về mức lương tối thiểu Quan tâm triển khai chuyển đổi số góp phần thay đổi phương thức hoạt động công đoàn

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 28 khóa XII diễn ra hôm nay (6/7), thảo luận về hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh, thành phố đều nhận định: Các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở đã triển khai hiệu quả, thiết thực các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ); vai trò của Công đoàn ngày càng rõ nét. Trong đó, tổ chức Công đoàn đã phát huy vai trò đại diện NLĐ trong Hội đồng tiền lương quốc gia, tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.

Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong thương lượng, đàm phán về lương tối thiểu
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 28 khóa XII.

Đặc biệt, trước phản ánh của các cấp Công đoàn về việc một số doanh nghiệp dự kiến sẽ không tiếp tục thực hiện quy định mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề, ngày 17/6/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết phản ánh này.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh biết: Mặc dù mức tăng lương chưa được như kỳ vọng, nhưng NLĐ rất phấn khởi, thấy được sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn với đời sống NLĐ. Đặc biệt, Nghị định về tăng lương tối thiểu được Chính phủ ban hành kịp thời, đúng vào ngày Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động nên NLĐ rất hồ hởi đón nhận.

“Công đoàn cơ sở, NLĐ ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn với Tổng LĐLĐ Việt Nam đã vào cuộc kịp thời, cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai, thực hiện tăng lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua đào tạo nghề”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong thương lượng, đàm phán về lương tối thiểu
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội nghị.

Bàn thêm về việc tăng lương tối thiểu vùng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết: Từ đầu năm, Công đoàn Khu kinh tế đã có khuyến nghị với các Chủ tịch Công đoàn cơ sở về những khó khăn của NLĐ do ảnh hưởng từ dịch bệnh, lạm phát, do đó, một số Công đoàn cơ sở trên địa bàn trong tháng 3,4/2022 đã điều chỉnh tăng lương thêm cho NLĐ từ 200-500 nghìn đồng/người/tháng.

Đặc biệt, khi triển khai thực hiện tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, Công đoàn Khu Kinh tế Tây Ninh tiếp tục gửi văn bản đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời, Công đoàn Khu Kinh tế đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tổ chức Hội nghị mời chủ sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở dự để triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu.

“Với Công đoàn cơ sở, chúng tôi chú trọng hướng dẫn cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở xem xét, rà soát lại chế độ, chính sách theo Thỏa ước Lao động tập thể; chủ động thương lượng với chủ doanh nghiệp khi tăng lương vẫn đảm bảo giữ nguyên các chế độ, phụ cấp hiện hành; đồng thời chủ động nắm sát tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, kịp thời điều chỉnh để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trên địa bàn”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên cho biết.

Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong thương lượng, đàm phán về lương tối thiểu
Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy: Công đoàn cơ sở, NLĐ ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn với Tổng LĐLĐ Việt Nam đã vào cuộc kịp thời về triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

Khẳng định những nỗ lực và vai trò hiệu quả của tổ chức Công đoàn 6 tháng đầu năm trong chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, nhất là tham gia xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ, được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng: Theo nhận định của Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, mặc dù kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có sự phục hồi, tuy nhiên sự phục hồi không đồng đều, không ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ. Trong khi đó, nguyện vọng của NLĐ đều mong được tăng thêm về thu nhập, do đó, các cấp Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở cần tiếp tục quan tâm chăm lo việc làm, đời sống đoàn viên, NLĐ, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong đời sống xã hội.

Để nâng cao vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, ngày 5/7, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu ký Công văn số 4486 /TLĐ-CSPL về Công đoàn tham gia thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ về mức lương tối thiểu đối với NLĐ.

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty chỉ đạo Công đoàn sơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp theo quy định mới về tăng lương tối thiểu.

Cùng với đó là thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình từ cơ sở và báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, tình hình tiền lương năm 2022 của các doanh nghiệp thuộc ngành, địa phương. Tập hợp, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Nghị định số 38/2022/NĐ-CP cũng như pháp luật Lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội… của các doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này