TP.HCM: Chính thức ngừng thi công và đề nghị kiểm toán "vào cuộc" dự án BOT đường nối cao tốc Trung Lương với Võ Văn Kiệt

19:41 | 01/07/2022
(LĐTĐ) “Rầm rộ” khởi công vào năm 2016 nhưng rồi ngừng thi công chỉ 2 năm sau đó (năm 2018), dự án BOT đường nối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt bị bỏ hoang cho đến nay, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị TP.HCM.
VEC-E lý giải việc trả tiền thừa bằng kẹo tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây Sau 30/6, trạm BOT nào chưa triển khai thu phí tự động sẽ xem xét tạm dừng thu phí BOT thu hút nguồn tài chính tư trong việc xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng

Ngừng thực hiện dự án BOT đầy tai tiếng

Liên quan đến dự án BOT đường nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký Văn bản số 2158/UBND-DA chấp thuận chủ trương ngừng thực hiện dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo hợp đồng BOT.

UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ đồng làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngừng thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố, tham mưu đề xuất UBND Thành phố theo đúng quy định trong tháng 7/2022.

Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định.

UBND TP.HCM cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, sau khi được giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, khẩn trương nghiên cứu thực hiện dự án theo hình thức BOT và xem xét hướng tiếp cận kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã thực hiện, không ảnh hưởng chi phí đầu tư gồm phần chi phí thanh toán hợp pháp mà nhà đầu tư đã thực hiện và phần chi phí đầu tư còn lại của dự án, sớm trình cấp thẩm quyền xem xét, hoàn thành trong quý III/2022.

Trong cùng diễn biễn xử lý vụ việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký Văn bản số 2157/UBND-DA đề nghị Kiểm toán Nhà nước quan tâm, chấp thuận bổ sung kế hoạch kiểm toán dự án nói trên theo hình thức BOT trong năm 2022.

Lý do cần cơ quan Kiểm toán Nhà nước “vào cuộc” là vì dự án BOT đường nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương với Võ Văn Kiệt chỉ có thể triển khai tiếp trong trường hợp chấm dứt trước thời hạn với nhà đầu tư và ngân hàng cho vay phải tiếp nhận và đề xuất nhà đầu tư mới thay thế.

Để sớm hoàn tất thủ tục chấm dứt thực hiện trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký kết nhằm hạn chế phát sinh các chi phí liên quan thanh toán cho nhà đầu tư, công tác kiểm tra hồ sơ quyết toán được thuận lợi và sớm tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành và đưa công trình vào khai thác.

TP.HCM: Chính thức ngừng thi công và đề nghị kiểm toán
Nhiều hạng mục dự án bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Để đi đến quyết định nói trên, các cơ quan chức năng TP.HCM đã nhiều lần bàn họp, tìm phương án tháo gỡ. Gần nhất, UBND TP.HCM đã quyết định chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT với tính chất chưa có tiền lệ.

Như vậy, đến nay "số phận" dự án BOT đầy tai tiếng này đã được “định đoạt”. Tính đến nay, tiến độ giải ngân dự án rất thấp, chỉ đạt khoảng 140 tỷ đồng (tương đương 12% khối lượng xây lắp) trong khi thời gian thực hiện dự án được duyệt là từ năm 2015 – 2017.

Chỉ định nhà đầu tư yếu kém

Dự án BOT đường nối cao tốc Tp. HCM – Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt triển khai theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Điều đáng nói, vì thẩm định lỏng lẻo nên “để lọt” nhà đầu tư yếu kém năng lực.

Nhà đầu tư không có năng lực nhưng vẫn được chỉ định thực hiện và được ngân hàng tài trợ tín dụng hơn 1.438 tỷ đồng nhưng đến nay khó thu hồi, chuyển thành nợ xấu. Hệ quả là 6 năm qua, dù chỉ có 2,7 km nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành trong khi lãnh đạo chủ chốt của nhà đầu tư đang dính vòng lao lý trong vụ án liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út trọc).

Dự án này do Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) được chỉ định làm chủ đầu tư. Ngày 25/6/2016, UBND Tp. Hồ Chí Minh - đại diện bởi ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Công ty Yên Khánh - đại diện bởi bà Vũ Thị Hoan, Giám đốc công ty ký hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Địa điểm xây dựng dự án tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, thời gian xây dựng 20 tháng kể từ ngày khởi công. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) là hơn 1.557 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8% và số còn lại là đi vay. Trong khi đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng, sử dụng ngân sách TP.HCM do Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh thực hiện.

Về phương án thu hồi vốn, chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm trên đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 17 năm 8 tháng. Thế nhưng dự án khởi công vào tháng 6/2016 thì đúng 2 năm sau (tháng 6/2018) ngừng thi công. Tính đến nay, tổng sản lượng xây lắp của dự án chỉ đạt 140 tỷ đồng, tương đương 12%. Nhiều hạng mục đang trong tình trang dang dở, "đắp chiếu", bỏ hoang.

TP.HCM: Chính thức ngừng thi công và đề nghị kiểm toán
Một trụ cầu thi công dang dở, bỏ hoang từ hơn 3 năm nay.

Về việc xử lý vi phạm hợp đồng BOT, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, đây là trường hợp chưa có tiền lệ tại TP.HCM, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính, đầu tư. Chưa kể mức độ phức tạp có thể xảy ra trong quá trình xử lý, tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng, xử lý trách nhiệm các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Trong Văn bản số 90/2021/LietvietPostBank.NSG, đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh TP.HCM cho biết, doanh nghiệp dự án đã vi phạm hợp đồng tín dụng, không trả nợ vay đúng hạn, khoản nợ đã chuyển thành nợ xấu.

Để “cứu vãn” dự án, thu hồi vốn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đề xuất Công ty cổ phần Him Lam tiếp nhận và tham gia dự án thay thế nhà đầu tư cũ.

Đáng chú ý tại dự án này, vào tháng 4/2020 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã vào cuộc xác minh, thu thập tài liệu hợp đồng BOT ký với Công ty Yên Khánh.

Trong khi đó, liên quan đến dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hàng loạt cán bộ, nhân viên Công ty Yên Khánh đang là bị cáo do vi phạm hoạt động đấu thầu và thu phí tại tuyến cao tốc này. Ngoài ra, bà Vũ Thị Hoan và ông Phạm Văn Diệt, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh hiện còn là bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến liên quan đến quản lý đất quốc phòng tại TP.HCM.

Tình Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này