KỶ NIỆM 107 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1/7/1915-1/7/2022)

Nguyễn Văn Linh - người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người góp phần mở đường công cuộc đổi mới

13:57 | 01/07/2022
Hưng Yên là vùng đất văn hiến và anh hùng; Nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm. Nơi đây sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất, có công với dân tộc, nhất là trong lĩnh vực chính trị - quân sự và văn hóa, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Xét chọn và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ II Giải thưởng Nguyễn Văn Linh sẽ được Công đoàn xem xét trao thưởng theo tỷ lệ 5-3-2

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915, quê thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình công chức nghèo. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm (năm 1929), khi mới 14 tuổi đã tham gia hoạt động yêu nước trong đội ngũ “Học sinh cứu quốc đoàn” do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hải Phòng lãnh đạo. Ngày 1/5/1930, trong khi rải truyền đơn, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án chung thân, đày ra Côn Đảo.

Nguyễn Văn Linh - người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người góp phần mở đường công cuộc đổi mới
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cộng sản kiên trung, người góp phần mở đường vào công cuộc đổi mới đất nước. (Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ VI ngày 18/12/1986-TTXVN)

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp đã gây sức ép buộc thực dân Pháp ở Đông Dương phải có những thay đổi đường lối cai trị, đồng chí được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Với tri thức giác ngộ sâu sắc, chí khí kiên cường và lòng hăng hái của tuổi trẻ, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Phong trào cách mạng ở Hải Phòng từ năm 1936 - 1939 có sự đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đặc biệt từ năm 1938 với tư cách phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Năm 1939, đồng chí được điều động vào Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và tham gia lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.

Năm 1941, đồng chí bị địch bắt xử tù 5 năm đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Sự tàn bạo khốc liệt của nhà tù đế quốc đã không khuất phục được ý chí sắt đá của người chiến sỹ cộng sản, trái lại, đã trở thành trường học tôi luyện đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên trung, dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng đón về và giao nhiệm vụ công tác tại miền Nam; kể từ đó, hơn nửa cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với miền Nam, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí luôn kiên định đường lối cách mạng của Đảng, tận tâm, tận lực với Đảng, với dân và được sự tin tưởng của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1960, được Đại hội lần thứ III của Đảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; đồng chí được Đảng giao trọng trách Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng với Trung ương Cục đã lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua biết bao gian khó, ác liệt của cuộc kháng chiến; đóng góp công lao to lớn cùng với toàn Đảng, toàn dân ta làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đại hội lần thứ V của Đảng (năm 1982), đồng chí tiếp tục được bầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6.1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư, được phân công Thường trực Ban Bí thư.

Từ năm 1975 - 1986, đồng chí trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau: Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1975 - 1976 và từ năm 1981 - 1986); Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam… Đặc biệt, khi là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (lần thứ hai từ năm 1981 - 1986), đồng chí cùng Thành ủy tiến hành đổi mới cơ chế quản lý ở một số doanh nghiệp; đó là những bước đột phá đầu tiên nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Sự năng động sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh và một số ngành, địa phương đã giúp Trung ương hoạch định đường lối, chính sách cho thời kỳ đổi mới.

Đến Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được giao trọng trách Tổng Bí thư của Đảng - người cầm lái công cuộc đổi mới trong bối cảnh hết sức khó khăn: đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, lạm phát phi mã; đời sống Nhân dân cực kỳ khó khăn; công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào bế tắc, hệ thống xã hội chủ nghĩa đang đứng trước nguy cơ tan rã. Trong hoàn cảnh ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một mặt khẳng định kiên trì định hướng chủ nghĩa xã hội, đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới; mặt khác chủ động phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tìm tòi những cơ chế, chính sách, biện pháp tích cực giải quyết những đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội, nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Nguyễn Văn Linh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người góp phần mở đường công cuộc đổi mới
Nhân dịp Tết Đinh Mão (1987) Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm quê hương, chúc Tết và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân dân xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (Ảnh: Tư Liệu)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt. Đại hội đã quyết định đường lối đổi mới, mở ra thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới, những quan điểm, cơ chế và chính sách mới. Khi triển khai thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm những việc cần làm ngay, kết hợp chặt chẽ nói và làm. Những bài của đồng chí trên Báo Nhân Dân ký tên “NVL” có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, sự trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tạo nên phong cách công tác mới, phê phán sự im lặng đáng sợ.

Với bản lĩnh và sự nhạy cảm về chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) (tháng 3.1989) bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới không đi chệch hướng. Đổi mới nhưng không xa rời con đường, mục tiêu xã hội chủ nghĩa - con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin - nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phê phán khuynh hướng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, âm mưu đa nguyên, đa đảng. Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân, dân chủ phải đi đôi với tập trung với kỷ luật, pháp luật, với ý thức, trách nhiệm công dân, dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đặt nền móng cho Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta đã trân trọng đánh giá: “Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”(1).

Sau Đại hội lần thứ VII (năm 1991) của Đảng, đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII, khoá VIII). Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát từng diễn biến của cách mạng Việt Nam, tham gia nhiều ý kiến quan trọng với Đảng về những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước.

Với những công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh ra ở Hà Nội, tham gia cách mạng và trưởng thành từ Hải Phòng, phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với đồng bào và chiến sỹ miền Nam. Do nhiệm vụ cách mạng nên ít có dịp về thăm quê hương Hưng Yên, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên quan tâm theo dõi từng bước phát triển của quê hương. Trong những năm tháng xa quê, đồng chí có sáu lần về thăm và làm việc, ba lần viết thư, gửi điện về quê hương; đồng chí luôn căn dặn, động viên và mong muốn Đảng bộ và Nhân dân quê nhà phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là chăm lo các đối tượng chính sách.

Cuối năm 1967, trong lần ra Bắc báo cáo với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam, đồng chí đã tranh thủ về thăm quê hương và nhận họ hàng sau nhiều năm xa cách. Năm 1977, đồng chí về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên (huyện hợp nhất Văn Giang và Yên Mỹ). Chiều ngày 27/1/1987, đồng chí về thăm xã Giai Phạm, gặp gỡ, trò chuyện, động viên, gợi mở hướng phát triển cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã. Năm 1993, đồng chí cùng phu nhân về thăm thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên). Năm 1994, sau khi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Hưng (tỉnh hợp nhất của Hải Dương và Hưng Yên), huyện Mỹ Văn (huyện hợp nhất của Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm), đồng chí đã về thăm xã Giai Phạm và dự Lễ khởi công xây dựng Trường tiểu học của xã. Năm 1995, nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Giai Phạm lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 1995 - 2000, do bận công việc, đồng chí không về dự được và đã gửi thư động viên nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân xã Giai Phạm đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 1996, sau khi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí cùng gia đình về thăm xã Giai Phạm, thăm và làm việc với lãnh đạo huyện Mỹ Văn; đây là lần cuối cùng đồng chí về thăm quê. Ngày 14/3/1997, đồng chí gửi thư cho xã Giai Phạm động viên Đảng bộ và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời khen ngợi thầy và trò Trường tiểu học và Trường trung học cơ sở mang tên đồng chí đã giữ vững danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền.

Nguyễn Văn Linh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người góp phần mở đường công cuộc đổi mới
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức khánh thành Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TP Hưng Yên (tháng 6/2015)

Sau 28 năm sáp nhập, ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV (tháng 11/1997), Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên vinh dự nhận điện chúc mừng của đồng chí Nguyễn Văn Linh: “Vì lý do sức khoẻ, đáng tiếc, tôi không thể về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh ủy sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam”... Nội dung bức điện vừa thể hiện lòng mong muốn, vừa là lời căn dặn của đồng chí với quê hương, thôi thúc Đảng bộ, Nhân dân Hưng Yên không ngừng phấn đấu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hưng Yên trở thành tỉnh mạnh trong cả nước.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và lời di nguyện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng thời phát huy truyền thống cách mạng và anh hùng, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đoàn kết nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách và lập được nhiều thành tích trên các lĩnh vực trong mỗi giai đoạn lịch sử, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, kế thừa truyền thống cách mạng, niềm tự hào quê hương, ý thức vươn lên trước yêu cầu phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, trăn trở tìm quyết sách lãnh đạo để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa tỉnh nhà phát triển, giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Phấn đấu xây dựng Hưng Yên trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.

Với những cống hiến lớn lao suốt cuộc đời cho đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã dành tình cảm, sự tri ân đặc biệt đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh (năm 2004) đến năm 2017, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia, Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (năm 2015). Đặt tên đồng chí gắn với những công trình quan trọng, như: Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh; Quảng trường Nguyễn Văn Linh và tuyến đường trục chính của thành phố Hưng Yên mang tên đường Nguyễn Văn Linh...

Để Hưng Yên có được những kết quả khởi sắc như ngày nay, đó là thành quả của 36 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, gắn liền với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, phát động các phong trào thi đua yêu nước để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, quyết tâm xây dựng Hưng Yên thành tỉnh giàu mạnh, văn minh như di nguyện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người chiến sỹ cộng sản xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Nguyễn Hữu Nghĩa

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này