Để rác thải không còn là vấn đề nan giải

09:58 | 30/06/2022
(LĐTĐ) Những năm gần đây, vấn đề xử lý chất thải rắn, trong đó có rác thải sinh hoạt luôn là đề tài nóng của Hà Nội. Những ảnh hưởng của công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã gây các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe người dân và mỹ quan đô thị. Để thành phố thực sự văn minh, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, hy vọng những bất cập trên sẽ sớm được khắc phục, không còn là vấn đề nan giải!
Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng chống rác thải nhựa Khu xử lý rác thải Xuân Sơn xin tạm ngừng để khắc phục sự cố Rác thải cồng kềnh tràn xuống phố

Hạ tầng hầu hết quá tải

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện, khối lượng rác trên địa bàn các quận, huyện, thị xã (khoảng 6.500-7.000 tấn/ngày) được phân luồng về tiếp nhận, xử lý tại Khu Liên hiệp Xử lý Chất thải rắn Nam Sơn (bãi Nam Sơn) khoảng 5.000-5.500 tấn/ngày và Khu Xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi Xuân Sơn) khoảng 1.500 tấn/ngày. Ngoài ra, có một số lượng nhỏ khoảng 100 tấn/ngày được xử lý bằng phương pháp đốt thông thường tại Nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công.

Để rác thải không còn là vấn đề nan giải
Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn đang vận hành trong điều kiện tiếp nhận gặp nhiều khó khăn.

Lũy kế từ năm 1999 đến nay, cả hai khu xử lý đã tiếp nhận khoảng 24 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, vượt công suất thiết kế đề ra ban đầu. Đặc biệt, cùng với lượng chất thải rắn sinh hoạt đã được chôn lập, hai khu xử lý này còn tồn tại hàng trăm nghìn m3 nước rác hiện chưa được xử lý.

Cụ thể, bãi Nam Sơn đang lưu chứa khoảng 767.000m3 nước rác, lưu chứa chủ yếu tại hồ chứa sinh học khẩn cấp (301.000m3), ô 1.1 và 1.2 (380.20m3). Khối lượng nước rác phát sinh bình quân khoảng 2.80m3/ngày đêm. Do đang hoàn thiện các thủ tục môi trường và xây dựng vận hành nên hiện tại mới chỉ có khoảng 800m3/ngày được xử lý.

Còn tại bãi Xuân Sơn, khối lượng nước rác tồn đọng hiện nay khoảng 67.000m3, hiện các vị trí lưu chứa đều đã đầy và không còn khả năng chứa thêm. Hiện nay trạm xử lý nước rác của Công ty CP môi trường và công trình đô thị Sơn Tây (công suất 700m3/ngày) đã tạm dừng vận hành từ 1/6/2022 do đang trong quá trình xem xét điều chỉnh gia hạn tiêu chuẩn xả thải…

Là đơn vị được Thành phố giao quản lý, vận hành hai khu xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn, báo cáo của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (URENCO) cho thấy, riêng trong năm 2021, các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn đã phải tiếp nhận khối lượng rác vượt công suất so với kế hoạch vận hành.

Cụ thể, bãi Nam Sơn tiếp nhận, xử lý 1,69 triệu tấn/704 nghìn tấn kế hoạch; còn bãi Xuân Sơn xử lý 504 nghìn tấn/483 nghìn tấn kế hoạch. “Đến nay, các khu xử lý đang vận hành trong điều kiện tiếp nhận gặp nhiều khó khăn, tại bãi Nam Sơn phải tiếp nhận rác trong điều kiện ngậm nước, mực nước rác trong các ô chứa đều cao hơn cốt mặt đường. Trong tình hình thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa nhiều, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường bất cứ lúc nào”, lãnh đạo URENCO cho hay.

Thực tế, ngay trong những ngày đầu tháng 6/2022, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, mưa lớn, đường nội khu trong bãi Nam Sơn xuống cấp, các xe rác đã phải rất vất vả mới lên được bãi đổ. Nếu như trung bình thời gian vận chuyển rác trước đây là 3, 4 tiếng, thì giờ kéo dài lên đến 7 tiếng dẫn đến tình trạng vòng quay của xe thu gom trong nội đô bị kéo dài.

Hay mới đây, đơn vị quản lý vận hành bãi rác Xuân Sơn đã phải khẩn cấp kiến nghị cho tạm dừng tiếp nhận rác do lo sợ nguy cơ xảy ra sự cố môi trường bởi các ô chứa nước rác hết khả năng tiếp nhận. Khó khăn trong công tác vận hành các khu xử lý cũng dẫn đến khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác lên bãi, thời gian làm việc của người công nhân bị kéo dài thêm 3, 4 tiếng.

Được biết, để giải quyết tình trạng này, cuối năm 2021, Thành phố đã phê duyệt triển khai 2 dự án khẩn cấp: Đào hồ 10,5ha để chứa nước rác và thi công ô chôn lấp phía Tây ô 8 trục A-B, nâng công suất tiếp nhận rác tại bãi Nam Sơn thêm 3 triệu tấn. “Hiện dự án hồ chứa nước rác đã hoàn thành, việc thi công ô chôn lấp dự kiến đến tháng 9/2022 sẽ hoàn thành. Hai dự án khẩn cấp trên có thể đáp ứng khả năng tiếp nhận rác được 20 tháng.

Trong trường hợp Nhà máy Điện rác Sóc Sơn có thể đưa vào vận hành trong năm 2022, khả năng tiếp nhận rác xử lý chôn lấp có thể kéo dài 4-5 năm nữa. Hai dự án này cũng sẽ giải quyết được vấn đề xử lý rác thải trong trường hợp Nhà máy Điện rác Sóc Sơn dừng hoạt động khi cần bảo dưỡng hay vì lý do kỹ thuật”, lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thông tin.

Hướng đến mục tiêu bền vững

Trên thực tế, những tồn tại trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt đều được các ngành chức năng của Thành phố đánh giá một cách nghiêm túc. Giải pháp lâu dài vẫn là đẩy nhanh triển khai các dự án xử lý rác thải hiện đại, giảm tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, vừa giúp tiết kiệm quỹ đất, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Trong quy hoạch chung, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải, trong đó chia công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo 3 vùng phía Bắc, Nam và Tây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngoài 2 khu xử lý chất thải rắn đang được vận hành là Nam Sơn và Xuân Sơn thì hầu hết 15 dự án còn lại đều mới chỉ nằm trên ý tưởng.

Nguyên nhân là do quy hoạch xử lý chất thải rắn chưa xác định cụ thể ranh giới, phạm vi, hành lang bảo vệ môi trường nên còn khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất theo quy hoạch, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án xử lý chất thải còn chưa tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai, việc lựa chọn công nghệ của các nhà đầu tư đối với các dự án được chấp thuận chủ trương thời điểm trước năm 2016 còn chưa phù hợp với định hướng hiện nay về việc sử dụng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng phát điện.

Để rác thải không còn là vấn đề nan giải
Công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện dự án xử lý rác thải thu hồi năng lượng phát điện theo quy định phải thực hiện nhiều công đoạn và phải được nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình triển khai: Thẩm định, phê duyệt công nghệ, đánh giá tác động môi trường (cấp bộ), thiết kế kỹ thuật (cấp bộ), bổ sung quy hoạch điện (cấp Chính phủ), đấu nối và ký hợp đồng phát điện lên lưới (EVN)... và thuộc thẩm quyền của nhiều bộ ngành cấp Trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, EVN.

Mặt khác, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vì vậy còn chưa khuyến khích được nhà đầu tư nỗ lực triển khai thực hiện. Một số nhà máy đốt rác đã đưa vào sử dụng (đốt không phát điện), tuy nhiên công suất nhỏ và việc quản lý của nhà đầu tư không tốt nên không hiệu quả.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 609/QĐ-TTg về quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, sau 8 năm triển khai, công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như: 100% chất thải công nghiệp, y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; xấp xỉ 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khoảng 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý.

Công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một phần do chưa thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cho đến nay, Hà Nội mới chỉ làm tốt công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với chất thải công nghiệp và y tế, còn phân loại chất thải rắn sinh hoạt thì vẫn chưa làm được. Điều này tạo gánh nặng thêm cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tiếp nữa là công nghệ thu gom chất thải rắn vẫn còn lạc hậu. Một số nhà thầu duy trì vệ sinh môi trường năng lực còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu, cải tiến công nghệ thu gom; hầu hết nhà thầu tại các địa bàn sử dụng các hình thức thu gom thu công, sử dụng phương tiện lạc hậu: Xe ba bánh, xe tự chế; tại một số địa bàn huyện vẫn thực hiện hình thức tổ đội, thu gom rác đổ về các điểm trung chuyển rồi nhà thầu mới sử dụng máy xúc lên phương tiện vận chuyển; một số xe vận chuyển cũ, chưa đảm bảo chất lượng.

Một số đơn vị chưa xây dựng phương án dự phòng, phương tiện vận chuyển đẩy nhanh tiến độ khi xảy ra sự cố tại các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung hoặc khi chủ đầu tư có nhiệm vụ đột xuất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn ứ rác thải trên địa bàn một số quận trong thời gian vừa qua, khi điều kiện thời tiết bất lợi (mưa lớn) dẫn đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom chậm, tuy nhiên khi cần huy động bổ sung phương tiện vận chuyển hết rác tồn đọng tại cơ sở thì chưa đáp ứng năng lực, dẫn đến chậm giải phóng các điểm tập kết, gây bức xúc cho người dân.

Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn rất chậm và bất cập. Tại khu vực nội thành, việc tìm quỹ đất để xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn sau khi thu gom từ các ngõ xóm rất khó khăn, hầu hết mang tính tạm thời. Không khó để bắt gặp các xe đẩy rác được gia cố thêm bằng các thanh gỗ, tre nữa đầy ắp nằm len lỏi trong các con ngõ phố của Thủ đô, gây mất mỹ quan đô thị…

Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số đã kéo theo các vấn đề về chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng, gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bảo đảm hiệu quả đối với các đô thị lớn như Hà Nội không chỉ là vấn đề ở địa phương. Việc này đòi hỏi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ phân loại rác, đầu tư hạ tầng đến các chính sách đi kèm và phải có lộ trình phù hợp./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này