Tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của gia đình

09:39 | 30/06/2022
(LĐTĐ) Theo thống kê, Hà Nội có hơn 2 triệu hộ gia đình với hơn 8 triệu nhân khẩu, công tác gia đình đã được Thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam với những chuẩn mực tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc.
Quan tâm thiết thực để đoàn viên yên tâm xây dựng hạnh phúc gia đình Biểu dương 100 gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu

Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, trong những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác gia đình, thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình công tác của Thành ủy trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, như: Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy nhiệm kỳ Đại hội XIV; Chương trình số 04-CTr/TU nhiệm kỳ Đại hội XV, XVI và Chương trình 06-CTr/TU nhiệm kỳ Đại hội XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, với 3 nội dung cốt lõi, gồm: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa là kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh.

Tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của gia đình
Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức trưng bày chuyên đề “Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc”.

Trong dịp kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) vừa qua, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng trên toàn địa bàn với chủ đề Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc như: Tổ chức trưng bày, triển lãm ảnh tại “Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2022”; tổ chức giao lưu, gặp mặt các gia đình văn hóa tiêu biểu; tổ chức các hội thi, hội nghị, tọa đàm tuyên truyền về gia đình và văn hóa gia đình tại 30 quận, huyện, thị xã…, nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến độ, hạnh phúc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, với trọng trách quản lý Nhà nước về gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tích cực tham mưu cho Thành phố ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, tập trung triển khai 5 nội dung chính trong công tác quản lý nhà nước về gia đình, là: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; đồng thời đẩy mạnh lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

“Từ năm 2018, việc đăng ký, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” thực hiện theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng nghĩa với việc các tiêu chí đánh giá, quy trình bình xét cũng có nhiều thay đổi. Sở đã chủ động hướng dẫn Ban chỉ đạo phong trào cơ sở thực hiện tốt việc đăng ký, tiến hành bình xét, công nhận các danh hiệu theo đúng quy định. Số lượng các gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hoá” hàng năm đều đạt trên 90%. Và đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đạt 88%”, bà Trần Thị Vân Anh khẳng định.

Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa gắn với phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…, trên địa bàn Thành phố xuất hiện nhiều Gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực, như: Gia đình không bạo lực, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không tệ nạn xã hội, gia đình không trẻ em suy dinh dưỡng, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi… là những điểm sáng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

Có thể kể đến, gia đình bà Đặng Thị Hiền ở quận Bắc Từ Liêm là gia đình hòa thuận, nhiều thế hệ chung sống; gia đình bà Trần Thị Loát ở Long Biên sản xuất, kinh doanh giỏi; gia đình ông Nguyễn Đình Chú ở quận Cầu Giấy là gia đình tri thức, hiếu học; gia đình ông Lê Văn Nhân ở Thanh Xuân tích cực làm công tác xã hội; gia đình bà Nguyễn Thị Thỏa ở Đông Anh có truyền thống yêu văn nghệ, có nhiều thành tích trong việc đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Đặc biệt, việc tổ chức sự kiện Ngày Gia đình Việt Nam trên toàn thành phố trong 21 năm qua, với nhiều hoạt động thiết thực, đã tạo thành cuộc vận động xã hội lớn, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Gia đình là thiết chế xã hội cơ bản nhất cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống qúy báu như lòng yêu nước, yêu quê hương yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình người Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ, dù quy mô, cấu trúc và các quan hệ trong gia đình có những thay đổi, song đây vẫn là nhân tố quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này