Tìm giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam

12:30 | 28/06/2022
(LĐTĐ) Ngày 28/6, tại Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm: “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”. Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi về các vấn đề đặt ra với phát triển giao thông đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Trong đó có những thách thức về việc xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ chế chính sách và lộ trình cụ thể cho hệ thống giao thông xanh bền vững tại Việt Nam đến năm 2030.
Báo Kinh tế và Đô thị kỷ niệm 20 năm ngày ra số đầu tiên Phát động Chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô” năm 2020 Ông Nguyễn Xuân Khánh làm Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị

Tại tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: Việc tập trung tuyên truyền các vấn đề đô thị, hạ tầng đô thị nói chung và giao thông đô thị nói riêng là một trong những thế mạnh của báo Kinh tế & Đô thị. Bởi vậy, việc tổ chức tọa đàm “Giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030” cũng nhằm mục đích khai thác thêm những ý kiến của các chuyên gia về phát triển hạ tầng giao thông nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay.

Tìm giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức tặng hoa các khách mời tham gia buổi tọa đàm.

“Vấn đề giao thông của Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ùn tắc như hiện nay cũng có lý do xuất phát từ vấn đề quy hoạch đô thị, sự phát triển của hạ tầng giao thông không bắt kịp sự phát triển của đô thị, phương tiện cá nhân phát triển nhanh và giao thông công cộng có phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân…

Qua buổi tọa đàm chúng tôi rất mong các chuyên gia cũng như nhà quản lý có thêm những phân tích, đánh giá thực trạng từ giao thông Hà Nội và các thành phố lớn của cả nước để có những hiến kế với các cấp chính quyền, trung ương nhằm có những điều chỉnh trong cơ chế chính sách cho phù hợp với hạ tầng, sự phát triển của đô thị, để mạch máu giao thông của cả nước được lưu thông tốt hơn, hướng tới giao thông xanh ngày càng phát triển” - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Tìm giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, các khách mời như: Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Tuyển; GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên Trường Đại học GTVT; Giám đốc trung tâm phát triển trạm sạc VinFast Vũ Thắng đã chỉ ra hiện giao thông Hà Nội nói riêng và một số thành phố đang đối mặt với tình trạng đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh…

Những bất cập này khiến các đô thị Việt Nam nói chung và khu vực nội thành một số thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… phải đối diện với tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, bài toán giao thông đô thị tại Việt Nam đang cần những giải pháp đột phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Tìm giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam
Toàn cảnh chương trình tọa đàm.

Để giao thông phát triển bền vững, GS.TS Từ Sỹ Sùa hiến kế, hiện nhu cầu đi lại của người dân bằng phương thức nào cũng cần xem xét trên khía cạnh mặt tích cực và tiêu cực. Ngoài ra, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải hành hành khách công cộng; giảm chi phí của các loại hình vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân…

Về công tác nâng cao chất lượng phục vụ vận tải công cộng, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội thông tin: Hiện công tác này được Sở GTVT Hà Nội chú trọng. Đặc biệt khuyến khích việc nhân rộng và phát triển các loại hình phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng chia sẻ, Hà Nội đã và đang có định hướng phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch, hiện nay đã có 8 tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng điện. Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục tham mưu với Thành phố thay thế những tuyến xe buýt trong nội đô trở thành những chiếc xe sử dụng năng lượng sạch. Đồng thời tiếp tục phát triển những phương tiện với sức chứa nhỏ hơn như xe đạp công cộng, xe điện cỡ nhỏ để tăng cường kết nối mạng lưới phương tiện tiện công cộng.

Tìm giải pháp cho giao thông bền vững ở Việt Nam
Hà Nội đã và đang nỗ lực phát triển và đồng bộ hệ thống giao thông công cộng.

Ngoài ra, Hà Nội đang có đơn vị đề xuất thí điểm thực hiện xe đạp công cộng, Sở GTVT Hà Nội cũng đang hướng dẫn đơn vị thực hiện, nghiên cứu sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast Vũ Thắng, với tình hình thực tế tại Việt Nam, xe điện có nhiều ưu điểm hơn so với các phương tiện sử dụng năng lượng khác. Đây là lợi thế lớn, bởi vậy VinFast đang đẩy mạnh đầu tư các trạm sạc để phát triển.

Tuy nhiên, về tổng thể và lâu dài, để phát triển năng lượng sạch, chẳng hạn như năng lượng điện, thời gian tới các doanh nghiệp rất cần thêm những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Hướng tới mục tiêu vận tải hành khách công cộng của Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 đáp ứng được 30-35% nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của người dân cùng chung sức, đồng lòng phát triển vận tải hành khách công cộng.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này