Chủ động ứng phó với dịch bệnh mùa hè

09:06 | 22/06/2022
Mùa hè cũng là mùa của nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm. Dẫu bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan bí ẩn dù tại Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nhưng cũng đang dấy lên nhiều lo ngại… Bởi vậy, cùng với ngành Y tế, người dân cần chủ động phòng bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè Hà Nội: Chủ động, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh mùa hè

Nhiều mặt bệnh đáng lo ngại

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, mùa hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn phát triển, dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm theo mùa như: Cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Điển hình, đối với sốt xuất huyết tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn đã có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021). Mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều như hiện nay, nguy cơ các ca bệnh sốt xuất huyết có khả năng gia tăng trong thời gian tới.

Chủ động ứng phó với dịch bệnh mùa hè
Tăng cường công tác diệt loăng quăng, bọ gậy nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Hiện, các bệnh viện tại Hà Nội đã tiếp nhận những ca mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin về trường hợp một nam bệnh nhân đang điều trị tại viện. Vì chủ quan nghĩ mình mắc Covid-19, nên sau khi sốt 3 ngày, người đàn ông này mới đến bệnh viện trong tình trạng rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm, nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, xuất huyết dưới da...

Từ trường hợp này, bác sĩ Hường cảnh báo, biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, từ đó dẫn tới tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng… Riêng với xuất huyết nội tạng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nên người dân cần phải cảnh giác.

Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì số mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội lại gia tăng. Cụ thể, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc tay chân miệng tại 23 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó). Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong một tuần của tháng 6/2022 tương đương với số mắc trong gần 6 tháng của năm ngoái (là 178 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Thành phố có 624 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Cùng với sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản… gần đây xuất hiện các bệnh mới nổi như viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, bệnh đậu mùa khỉ ở một số nước trên thế giới. Hơn nữa, hiện trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Bởi vậy, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh mùa hè trong trường học là rất lớn, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch. Chính vì vậy, hiện các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch và khẩn trường tổ chức những chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, chủ động phòng bệnh.

Không để bùng phát dịch trong cộng đồng

Đơn cử tại quận Hai Bà Trưng, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ những ngày đầu năm 2022, quận đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận đã bám sát, chủ động, phối hợp triển khai có hiệu quả các quy định, các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và quận.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, để hạn chế tối đa số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng và tử vong, ngành Y tế Thủ đô đã chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị; đồng thời điều trị, chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần củng cố, duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” để thường xuyên tư vấn, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Cụ thể, các đơn vị rà soát, bổ sung các nguồn lực, trang thiết bị, hoá chất, vật tư, phương tiện, thuốc phòng, chống dịch, sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh. Làm tốt công tác tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh cho Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân quận, phường; lãnh đạo và cán bộ y tế các trường đại học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch của 18 trạm y tế phường, cán bộ y tế của các cơ sở giáo dục, các phòng khám ngoài công lập.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh mùa hè như bệnh về tiêu hóa, đường hô hấp, tiêu chảy, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, viêm gan cấp tính ở trẻ em, bệnh đậu mùa khỉ...

Cùng với đó, các đơn vị còn tổ chức tốt các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; thực hiện 3 sạch “Ăn uống sạch, ở sạch, chơi đồ chơi sạch’’. Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy… để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Đặc biệt, công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai tại 18 phường, các khoa sản bệnh viện, các điểm tiêm chủng dịch vụ; đảm bảo an toàn, theo quy định. Đồng thời, tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 bảo đảm an toàn và đạt chỉ tiêu Thành phố giao. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Bên cạnh đó, ngành y tế của quận thường xuyên giám sát các ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao; khu vực, phường trọng điểm về dịch; các công trình đang xây dựng yêu cầu các chủ công trình cam kết thực hiện nghiêm các quy định, các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, điều tra, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ cũng chủ động các biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả. Tính đến ngày 26/5, trên địa bàn huyện Chương Mỹ ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Dương Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ cho biết: Trung tâm y tế huyện đã yêu cầu xã có chỉ số bọ gậy cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền để người dân tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Các xã, thị trấn cần duy trì, phát huy vai trò của đội xung kích, tổ giám sát trong việc tuyên truyền để người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân biết cách tự phát hiện ổ bọ gậy, tự xử lý các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các dụng cụ phế thải đọng nước…

Trước nguy cơ dịch bệnh mùa hè tấn công, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền về dấu hiệu khi mắc bệnh và thông tin về cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để người dân đến khám, điều trị kịp thời. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin, các địa phương phải vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Ngoài ra, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan. Chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh bằng việc tiêm đủ vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này