Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

13:28 | 21/06/2022
(LĐTĐ) Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại, phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng.
Doanh nghiệp phục hồi nhanh nhờ chuyển đổi số Hợp đồng điện tử: Bước đệm để doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu

Chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ

Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần phải tích hợp với trải nghiệm ở cấp độ cao hơn của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Các nhà khoa học, nhà quản lý báo chí, nhà báo thảo luận, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí tại hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương: 164; địa phương: 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương.

Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật số, kinh phí và nhân sự.

Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số báo chí tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chuyển đổi số báo chí - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức mới đây, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo nói riêng, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hoá, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là đã thực hiện chuyển đổi số nhưng không phải như vậy. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ mà còn là vấn đề về con người, tư duy.

Căn cứ Nghị quyết 50 ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025 có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước).

80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...

“Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí chứ không thể trông chờ vào sự định hướng, dẫn dắt giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Chuyển đổi số giúp chúng ta không còn phân biệt khoảng cách giữa báo lớn và báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ vẫn có thể làm những thứ mà tờ báo lớn không thể làm được. Chuyển đổi số không chỉ ở kỹ thuật, công nghệ mà còn ở tư duy, tư duy đó không chỉ nằm ở lãnh đạo mà phải lan tỏa ở tất cả các bộ phận”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Chuyển đổi số nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn

Đánh giá về những ý nghĩa mà chuyển đổi số đem lại cho các cơ quan báo chí, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Chuyển đổi số để phục vụ độc giả được tốt hơn, khi độc giả chuyển sang những nền tảng mới thì báo chí phải đuổi theo, đón đầu những nền tảng mới đó. Làm được điều này thì báo chí sẽ tồn tại và có thể phát triển mạnh mẽ”.

Xét ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, trong giai đoạn chuyển đổi số chúng ta cần phải học hỏi lẫn nhau, cùng hỗ trợ và sử dụng chung tài nguyên. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần phải chủ động chuyển đổi số bởi trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Thay vì đọc báo một cách truyền thống như trước đây, phần lớn độc giả ngày nay tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý.

Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí nhưng để báo chí chuyển đổi số thành công, đại diện một số cơ quan báo chí cho rằng cần chú ý đến công tác đào tạo. Cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ mở các lớp tập huấn chuyển đổi số cho các lãnh đạo cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản bởi lãnh đạo phải có tư duy, phải hiểu về chuyển đổi số thì mới chuyển đổi số thành công. Song song với đó, các phóng viên, những người làm báo trực tiếp cũng cần phải được đào tạo, bồi dưỡng để tạo ra các bài báo được lập trình một cách nghiêm túc. Bởi, chuyển đổi số là sự chuyên nghiệp của các nhà báo và ứng dụng công nghệ sẽ mang đến cho độc giả một tác phẩm báo chí toàn diện.

Xác định chuyển đổi số là vấn đề cấp bách nhưng theo nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm nội dung số VTC Now, Đài Truyền hình VTC, để chuyển đổi số thành công mỗi đơn vị báo chí nên chọn cách phù hợp hơn với đặc thù của đơn vị mình. Bài toán chuyển đổi số không có mô hình chung nào vì mỗi đơn vị có một đặc thù, cách tổ chức khác nhau, có nguồn tài chính, vấn đề công nghệ và con người khác nhau. Đồng thời, cần thay đổi tư duy của người làm gắn với tư duy đổi mới sáng tạo./.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này