Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản

16:03 | 16/06/2022
(LĐTĐ) Ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Một trong những điểm mới quan trọng là Luật vừa được thông qua quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp.
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội Năm 2027 phải đưa Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô vào vận hành khai thác Quốc hội nhất trí chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh

Cụ thể, trinh bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau: Mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản
Ảnh minh họa. (ảnh: VGP)

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quá trình thảo luận dự án Luật, vấn đề giữ hay không giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm có ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu. Kết quả, 250/498 đại biểu (chiếm 50,20%) đồng ý không quy định Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; 167/498 đại biểu (chiếm 33,53%) đồng ý giữ Quỹ. Dự thảo Luật trình Quốc hội biểu quyết tiếp thu theo đa số đại biểu.

Như vậy, toàn bộ số dư quỹ hiện khoảng 1.000 tỉ đồng sẽ do Bộ Tài chính quản lý để dùng chi cho mục đích bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ này.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua cũng quy định rõ “người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Về ý kiến đề nghị bổ sung loại hình bảo hiểm vi mô vào Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bảo hiểm vi mô không phải là một sản phẩm bảo hiểm cụ thể mà là các sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.

Các sản phẩm bảo hiểm vi mô có thể thuộc một trong ba loại hình (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ) hoặc kết hợp các quyền lợi của cả ba loại hình bảo hiểm này.

Có ý kiến cho rằng hiện có ít nhất 20 luật quy định về mua bảo hiểm bắt buộc, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị bổ sung bảo hiểm bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường vào dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ để bổ sung thêm các loại bảo hiểm bắt buộc, cân nhắc việc quy định bảo hiểm bắt buộc tại một số luật chuyên ngành bởi các quy định trong luật chuyên ngành do các bên tự thỏa thuận, khó khả thi trong thực tiễn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, các loại hình bảo hiểm quy định tại các luật chuyên ngành chủ yếu là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, không phải là các loại hình bảo hiểm có rủi ro ảnh hưởng lớn đến lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Đây là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Các bên có thể tự thỏa thuận trách nhiệm tùy theo nhu cầu và năng lực tài chính khi tham gia hợp đồng.

Đối với các loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm sự cố môi trường, đây là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự cố trong việc thực hiện trách nhiệm công việc của mình, do đó, các bên có thể thỏa thuận giao kết hợp đồng bảo hiểm với mức phí và mức trách nhiệm phù hợp…

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 157 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này