Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh xây dựng nhà ở công nhân

13:18 | 14/06/2022
(LĐTĐ) Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành, phần lớn người lao động ngoại tỉnh hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đa số ở trọ. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại các nhà trọ còn nhiều khó khăn, ẩm thấp, diện tích nhỏ, chật hẹp ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và sự phát triển thể chất của con công nhân lao động.
Nhà ở công nhân… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của công nhân lao động

Công nhân mong mỏi có thêm nhiều nhà ở

Khi được hỏi về nguyện vọng, phần lớn công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các thành phố lớn đều kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, có các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiều dự án nhà ở trên địa bàn với giá hợp lý để CNLĐ được mua hoặc thuê nhà, có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc.

Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh xây dựng nhà ở công nhân
Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh mới đáp ứng một phần nhu cầu của CNLĐ.

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6 vừa qua, công nhân Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) bày tỏ: Hiện nay, anh chị công nhân luôn hăng say lao động sản xuất với mong muốn đem lại thu nhập ngày càng cao, doanh nghiệp ngày càng phát triển, đất nước ngày càng đổi mới đi lên. Tuy nhiên, đời sống của công nhân hiện tại còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, khiến công nhân chưa an tâm làm việc, trong đó có vấn đề về nhà ở và trường học cho các con.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Sớm giải quyết căn cơ, bài bản các vướng mắc

Kết luận về vấn đề nhà ở cho CNLĐ tại buổi gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ ngày 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề chính đáng, cần phải giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu này của anh em công nhân. Nhà ở cho CNLĐ là vấn đề quan trọng, bởi có an cư thì mới lạc nghiệp. Vấn đề này Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nhiều chính sách ưu đãi như cơ chế chính sách ưu đãi về hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi… Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản.

Trước những vướng mắc về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp, Bộ Xây dựng tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao nhanh nhất có thể giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay.

“Theo cháu biết, hiện tại, có nhiều đơn vị doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn muốn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân của mình thuê, thậm chí ở miễn phí nhưng chưa có cơ chế, trong khi đó, bản thân chúng cháu phải đi thuê những căn nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp, giá đắt đỏ và xa nơi làm việc”, anh Biên nêu thực tế. Theo đó, anh Biên kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt về việc quy hoạch triển khai xây dựng nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi văn nghệ cho công nhân, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp và Khu chế xuất.

Là lao động ngoại tỉnh, chị Triệu Thị Huyền (31 tuổi, công nhân sản xuất thiết bị điện tử) vẫn luôn mong có được nơi ở khang trang, sạch đẹp hơn. "Nhà tôi có con lớn nên sinh hoạt rất bất tiện, vì có hôm cả nhà phải nằm chung một chiếc giường. Tôi mong có được một căn nhà rộng khoảng 70m2, thoáng mát, đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình vì phòng tôi thuê hiện nay chỉ rộng 20m2, mùa hè ở vừa chật, vừa nóng", chị Huyền bộc bạch.

Tại Hà Nội, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người lao động là rất lớn, nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Qua tổng hợp, nắm bắt nhu cầu của CNLĐ, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết: CNLĐ Thủ đô mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách hiện nay, đó là vấn đề nhà ở cho công nhân. Người lao động Thủ đô mong muốn Chính phủ có những chính sách phù hợp hơn để người lao động, đặc biệt là CNLĐ ở các Khu Công nghiệp và Chế xuất có cơ hội được tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước để mua nhà. Vì với chính sách và mức giá hiện nay, người lao động khó có thể mua được nhà ở để ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi tập trung đông lao động ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc, CNLĐ bày tỏ mong muốn, để người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ, Nhà nước và các cơ quan có liên quan cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về hỗ trợ vay vốn thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, hoặc không lãi suất đối với những người đủ điều kiện mua nhà. Hiện, các nguồn thông tin về nhà ở xã hội không được phổ biến rộng rãi, có quá ít kênh để người lao động tham khảo, đăng ký mua. Bên cạnh đó, người lao động cũng đề nghị cần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, như: Người lao động có sự gắn bó lâu dài, có thành tích cống hiến trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến tốt…

Nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu

Trao đổi về vấn đề nhà ở cho công nhân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Nhu cầu nhà ở của CNLĐ rất lớn, nhất là hiện nay khi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh xây dựng nhà ở công nhân
Nhiều gia đình công nhân hiện vẫn phải thuê trọ trong những căn phòng nhỏ hẹp

Về kết quả thực hiện, ông Sinh cho biết: Giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện được 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. “Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận.

Để thúc đẩy “nguồn cung” nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư. Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 39 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhiều chính sách liên quan đến thủ tục hành chính… trong đó chú trọng mục tiêu: Làm sao dành được quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Về các chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Sinh cho biết, Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được các địa phương tùy theo tình hình sẽ hỗ trợ một phần các hạ tầng, kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trong các dự án này…

Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế Công đoàn. Theo đó, chú trọng đầu tư dự án nhà ở đi liền với trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị… để phục vụ công nhân tốt hơn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chương trình với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, trong đó có nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cụ thể, sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. Đồng thời sẽ triển khai gói hỗ trợ giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm….

“Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chúng tôi tin trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân ngày càng được cải thiện.”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ./.

Ý kiến

Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã rất quan tâm và chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ. Tại buổi gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với CNLĐ ngày 12/6, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp đã nêu cụ thể những “nút thắt”, mong sớm được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Cần đồng bộ hóa các quy định

Vấn đề nhà ở cho công nhân luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm từ mấy năm nay trong quá trình thực hiện Đề án do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất"; và Quyết định 1729/QĐ-TTg, sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều điểm vướng. Cụ thể, tại Luật Đất đai: Quy định giao đất sạch có giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội, sẽ phải đấu thầu; nhưng giá đấu thầu như nào hiện bị vướng ở Luật Đất đai. Bên cạnh đó, hiện nay việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khó, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như Nhà nước, song bị vướng ở Luật Đầu tư công. Liên quan đến việc vận hành tòa nhà sau khi xây dựng, còn một số điểm vướng ở Luật Kinh doanh bất động sản.

-------------------------------------

Ông Phạm Văn Lực - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển bền vững Ever Green Bắc Giang:

Vẫn còn thủ tục khó khăn cho doanh nghiệp

Công ty chúng tôi tham gia lập quy hoạch, thiết kế và đầu tư Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án Nhà ở xã hội Ever Green thực hiện từ quý IV/2021 đến hết quý IV/2023. Dự án Nhà ở xã hội xây dựng trên diện tích đất 3,2 ha bao gồm 10 tòa, mỗi tòa 20 tầng nổi và 1 tầng hầm với quy mô căn hộ đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 12.000 công nhân, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiện nghi. Hiện tại dự án đang trong quá trình triển khai.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, chúng tôi gặp một số khó khăn, vướng mắc sau: Thứ nhất: Việc xác định giá bán, giá cho thuê, phê duyệt giá bán, giá cho thuê, xác định giá đất, miễn tiền sử dụng đất còn nhiều thủ tục khó khăn, doanh nghiệp không tự thực hiện được mà phải có sự phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh.

Thứ hai: Đối tượng thuê nhà ở xã hội dành cho công nhân là người lao động làm việc trong các Khu Công nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng lao động không được đứng ra đại diện ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội với Nhà đầu tư, hoặc đơn vị được ủy quyền quản lý khai thác dự án. Điều này gây khó khăn cho Nhà đầu tư khi vận hành, khai thác dự án do: Người lao động làm việc trong các nhà máy tại Khu công nghiệp thường xuyên biến động, việc xác định người lao động đủ điều kiện thuê nhà gặp rất nhiều khó khăn.

Bởi vậy, chúng tôi xin kiến nghị: Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để việc xin miễn tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội được thuận lợi. Đề xuất sửa đổi Khoản 2, Điều 24, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội, như sau: Nguyên văn là: “Hợp đồng thuê nhà ở xã hội được ký giữa chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp được chủ đầu tư ủy thác quản lý, vận hành nhà ở với người thuê nhà ở”. Đề nghị sửa thành: “Hợp đồng thuê nhà ở xã hội được ký giữa chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp được chủ đầu tư ủy thác quản lý, vận hành nhà ở với người thuê nhà ở hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động đứng đại diện ký kết hợp đồng thuê nhà ở.”

-------------------------------------

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang:

Tháo gỡ vướng mắc trong việc miễn, giảm tiền thuê đất

Hiện nay, Bắc Giang có 250.000 công nhân, trong đó có 1/3 công nhân từ các địa phương khác, nên nhu cầu nhà ở rất nhiều. Bắc Giang hiện có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án đang triển khai. Nếu triển khai được 14 dự án này sẽ giải quyết được khoảng 110.000 công nhân có nhà ở.

Qua triển khai, đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng. Nếu một doanh nghiệp có 10ha, giải quyết khoảng 20.000 công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm... di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Thứ hai là vướng ở việc xác định giá để thuê. Hiện nay, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng chưa cụ thể. Thứ ba, việc miễn giảm tiền thuê đất, đối với Bắc Giang cũng như nhiều địa phương, muốn kiến nghị tới Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, thì sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này